Những di sản quan điểm về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/07/2024 17:03 GMT+7

VTV.vn - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại di sản những quan điểm văn hóa mang tính bao trùm, đúc kết từ tâm hồn, trí tuệ của một nhà văn hóa lớn.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, dành nhiều thời gian, tâm huyết đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam. Các quan điểm của Tổng Bí thư về văn hóa chính là sự kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng về văn hóa ngay từ những ngày đầu thành lập nước.

Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời. Bản đề cương được ví như cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Với bản đề cương này, cùng với chính trị, kinh tế, văn hóa cũng là một mặt trận. 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng và phát triển văn hóa. Là người trực tiếp tham gia soạn thảo và chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Đảng, từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội lần thứ XIII và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng kế thừa và tiếp thu Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới, đó là nền văn hóa "Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đặc biệt, trong mối quan hệ với kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa được xác định là một trụ cột quan trọng. 

Cách đây hơn một tháng, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã được ra mắt. Trong cuốn sách, tất cả những chủ trương, đường lối, cùng kết quả lãnh đạo của Đảng về phát triển văn hóa đều được người đứng đầu Đảng ta đề cập một cách sâu sắc. Cuốn sách không chỉ thể hiện tư duy, tầm nhìn và sự tâm huyết của Tổng Bí thư mà còn là cẩm nang quý giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên nắm vững và triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới.

“Đúc kết của đồng chí Tổng Bí thư khẳng định chính giá trị mà giới nghiên cứu và toàn Đảng, toàn dân có trách nhiệm làm rõ, bổ sung, phát triển và làm sâu sắc hơn thì rất có ý nghĩa, để chúng ta đạt được những mục đích mà Đại hội XIII của Đảng đã ghi rõ đến năm 2030, đến năm 2045 và xa hơn”, GS. Hồ Sĩ Qúy - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết.

Những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa trong những năm qua đã trở thành những định hướng quan trọng trong sự phát triển của toàn ngành. Đặc biệt từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, đã có những chuyển biến rõ nét, toàn diện, bắt đầu từ nhận thức về vai trò, vị trí  của văn hóa trong phát triển, từ đó cụ thể hóa thành các chiến lược, chương trình hành động của các bộ ngành, địa phương.

Sau 2 năm triển khai Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022 - 2023 ở địa phương bước đầu đã thay đổi tích cực. Dự toán ngân sách năm 2022 - 2023 của nhiều tỉnh, thành phố phân bổ cho văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Nhiều địa phương đã có mức tăng cao như Vĩnh Phúc bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách tăng trung bình 67-74%/năm; Khánh Hòa tăng trung bình 20-23%/năm; Phú Thọ tăng trung bình 19-29%/năm… 

Không chỉ tăng nguồn lực đầu tư, nhiều địa phương đã có cách làm đột phá, sáng tạo. Như Yên Bái là địa phương tiên phong trên cả nước triển khai bộ chỉ số hạnh phúc, cụ thể hóa các tiêu chí văn hóa trong quản lý, đo lường sự phát triển kinh tế, xã hội.

Năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh khởi động nhiều dự án theo Nghị quyết 98, trong đó có hơn 20 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho văn hóa - thể thao sẽ được khơi thông nguồn lực nhờ cơ chế đặc thù thực hiện thí điểm. Còn tại Hà Nội, một nghị quyết riêng của Thành ủy đã ra đời, xác định du lịch văn hóa và thủ công mỹ nghệ là thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại di sản những quan điểm văn hóa mang tính bao trùm, đúc kết  từ tâm hồn, trí tuệ của một nhà văn hóa lớn, một nhân cách cao đẹp, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Những điều đó được thể hiện không đao to búa lớn mà giản dị, nho nhã, khiêm nhường, trong từng lời nói, từng cử chỉ thực hành văn hóa, trong đạo đức và lối sống hàng ngày của ông. 

Nhân dân sẽ luôn nhớ về ông không chỉ với tư cách người đứng đầu Đảng ta, mà trước hết và trên hết là một chiến sĩ cách mạng cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, cho đất nước và Nhân dân, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm, tầm nhìn của ông sẽ là tiền đề để toàn Đảng, toàn dân thống nhất hành động, từ đó tạo ra những đột phá mới trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn thực sự là động lực cho sự phát triển", đúng như mong muốn lúc sinh thời của Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  - Nhà văn hóa lớn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà văn hóa lớn

Dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước