Những trang sách có lửa, những thước phim đổi bằng máu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/04/2023 13:20 GMT+7

VTV.vn - Một điều chắc chắn rằng văn học nghệ thuật kháng chiến vẫn vẹn nguyên những giá trị đến hôm nay và mai sau.

Dọc theo hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, văn học nghệ thuật đã luôn thắp lên ngọn lửa cổ vũ tinh thần chiến đấu cho đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trước tiên phải nói tới văn học. Ngay từ khi cách mạng tháng 8 thành công, cả một nền văn học đã chuyển mình, như tuyên ngôn của nhà văn Nam Cao - "Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân". Ngòi bút cũng là vũ khí, đúng như lời dạy của Bác - "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".

Những năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng và thực hiện lệnh tổng động viên, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã xếp bút nghiên lên đường ra trận. Hành trang của họ là những cuốn sách, giáo trình, là cái bút, sổ tay làm nhật ký, là những vần thơ chép lại còn chưa ráo mực trên giảng đường...

"Họ là những người thấm đẫm cái chất lãng mạn mà văn học nghệ thuật cấp cho họ, biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất, thành sự chịu đựng, can trường trong các cuộc chiến cực kỳ khốc liệt, đặc biệt là ở mặt trận Quảng Trị, giữ thành cổ 81 ngày đêm năm 1972", nhà báo Phùng Huy Thịnh - Nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ.

Trong những năm tháng ấy, các nhà văn nhà thơ, đội văn công chiến trường, các nhà báo... cũng có mặt ở khắp các mặt trận như những người lính nơi tuyến đầu. Tất cả làm thành bản "giao hưởng Trường Sơn" kiêu hùng bất khuất.

Khi những đoàn quân nghệ thuật hòa vào bước chân ra tiền tuyến thì ở các đô thị miền Nam, phong trào đấu tranh chống Mỹ - Ngụy, đòi tự do dân chủ của học sinh, sinh viên diễn ra sôi nổi và ngày càng lan rộng. Hát cho đồng bào tôi nghe là một phong trào đấu tranh phản chiến của học sinh, sinh viên tại các đô thị miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bắt đầu từ 1966 với những buổi biểu diễn văn nghệ gắn với hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, phong trào chính thức mang tên Hát cho đồng bào tôi nghe tháng 12/1969 từ bài hát của nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên, bài hát cho đến phong trào đã được truyền đi từ miệng người này đến miệng người khác. Nó nảy nở giữa gọng kềm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết.

Còn rất rất nhiều những đóng góp của các nhà văn, họa sĩ, đạo diễn, nhà báo, nhà biên kịch, nhạc sĩ... và có một điều chắc chắn rằng văn học nghệ thuật kháng chiến vẫn vẹn nguyên những giá trị đến hôm nay và mai sau.

Triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam”: Sống lại ký ức về những năm tháng chiến tranh Triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam”: Sống lại ký ức về những năm tháng chiến tranh

VTV.vn - Triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam” giúp công chúng thủ đô có thêm góc nhìn khác về con người, cuộc sống và cuộc chiến tranh đầy cam go của quân dân Nam Bộ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước