Nỗ lực trên chặng đường dài đưa áo dài thành di sản

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 25/10/2024 12:00 GMT+7

VTV.vn - Việc đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vẫn là chặng đường dài phía trước.

Từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế, tà áo dài  được xem là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, của  phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, áo dài lại chưa có một danh hiệu di sản chính thức nào cho đến tháng 8 vừa qua. "Tri thức may, mặc Áo dài Huế" đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây thực sự là tin vui không chỉ cho Huế mà cho những ai yêu áo dài trên khắp mọi miền đất nước, bởi đây là bước đi quan trọng trên hành trình áo dài trở thành di sản thế giới.

Truyền thống và bản sắc của mỗi quốc gia luôn được đề cao trong một kỷ nguyên của thế giới phẳng. Việc áo dài được quốc tế công nhận là di sản văn hóa Việt Nam một cách chính danh đang được đặt ra một cách cấp bách. Nhất là khi, trong một số trường hợp, chúng ta đã phát hiện việc áo dài bị sử dụng sai truyền thống, hoặc bị gán cho những xuất xứ khác tại một số bảo tàng hoặc sàn diễn thời trang trên thế giới. Tuy nhiên, để đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vẫn là chặng đường dài phía trước.

Việc làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất từ năm 2020. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, đơn vị thực hiện thủ tục đăng ký xây dựng hồ sơ trình UNESCO phải là chính quyền của một địa phương cụ thể. Do vậy, việc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đứng ra vận động thực hiện điều này là chưa đủ hợp lý và phải dừng lại.

“Muốn thành di sản phải là những điều kiện mang tính pháp lý, Chắc chắn rằng những nhà thiết kế như chúng tôi vẫn quyết tâm đi trên con đường để đưa áo dài phải trở thành di sản một cách chính thức”, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.  

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu để chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các quy trình thủ tục theo công ước UNESCO 2003. Tuy nhiên, áo dài không chỉ có ở Huế. Chẳng hạn trong di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia "nghề may đo Trạch Xá" cũng có phần về áo dài. Chính vì vậy, theo chuyên gia, điều thiếu là việc kiểm kê di sản diện rộng theo đúng quy trình của UNESCO. 

Dự kiến, quá trình hoàn thiện hồ sơ đệ trình tri thức may mặc áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại phải kéo dài 5-10 năm. Trong thời gian đó, việc lan tỏa giá trị của áo dài Việt Nam là điều cần làm ngay, bởi sức sống của di sản trong cộng đồng mới là tiêu chí UNESCO đánh giá cao.

Áo dài thành di sản được thế giới công nhận là điều mong mỏi của tất cả, nhưng đích đến cuối cùng chính là để mỗi người tự hào hơn, trân trọng hơn vẻ đẹp của tâm hồn, cốt cách Việt Nam trong tà áo dài. Thời gian qua, rất nhiều hoạt động tôn vinh áo dài đã được tổ chức trong và ngoài nước, truyền cảm hứng cho cộng đồng

Áo dài là một trong số ít từ thuần Việt được người nước ngoài sử dụng dưới dạng từ nguyên, không qua dịch thuật trong các văn bản quốc tế. Áo dài  là một hằng số để góp phần định vị vẻ đẹp riêng có của người Việt giữa thế giới rộng lớn. Cần chiến lược lâu dài để xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghiệp áo dài riêng mang thương hiệu Việt Nam. Muốn vậy, việc thiết kế, may mặc và quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia chứ không chỉ là nỗ lực đơn lẻ của một vài địa phương, tổ chức. 

Anh tài hội ngộ trong sản phẩm âm nhạc mới Anh tài hội ngộ trong sản phẩm âm nhạc mới

VTV.vn - Anh trai vượt ngàn chông gai khép lại nhưng các Anh tài vẫn tiếp tục hợp tác sôi nổi. Các thành viên Nhà Chín Muồi vừa cùng xuất hiện trong MV mới của Neko Lê.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước