Từ xưa đến nay, Tết cổ truyền (hay Tết Nguyên đán) là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Vào thời điểm này, mọi người tạm dừng công việc, trở về gia đình đoàn tụ, quây quần bên mâm cỗ Tết. Nhưng với không ít người, nhắc tới Tết là thấy áp lực, thậm chí còn cảm thấy sợ.
Tết thường rơi vào thời điểm công việc ở các cơ quan chất chồng, bận rộn, gấp rút. Các cơ quan, đơn vị tất bật chạy đua nước rút để kịp tiến độ và đạt chỉ tiêu. Vì thế, công việc căng thẳng hơn bao giờ hết. Mỗi ngày, có không ít người phải dốc cạn sức lực, đẩy hiệu suất lên cao, tăng ca làm việc, thậm chí phải mang công việc về nhà giải quyết. Nhịp độ năm nào cũng vậy nên với nhiều người, họ chẳng còn muốn nhanh đến Tết.
Là một trong những nghệ sĩ tham gia chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân hàng năm, NSƯT Quốc Khánh cũng cảm nhận được những áp lực ở thời điểm cận Tết. Để phục vụ cho khán giả cả nước, các nghệ sĩ đang tập luyện bất kể ngày đêm để chương trình kịp lên sóng.
"Nếu nói thời gian là áp lực thì có thể đúng. Chúng tôi phải phân chia, tính định cho người này, người kia để mọi người tụ tập luyện tập được. Chương trình này không thể làm riêng được, mọi người phải cùng bàn bạc, rồi kịch bản bỏ gì, thêm gì, sáng tạo gì cũng là áp lực với anh em nghệ sĩ", NSƯT Quốc Khánh bộc bạch.
Tết đến trăm thứ phải lo phải sắm, quà gửi cho bố mẹ, vật dụng trang hoàng nhà cửa, các loại bánh mứt, hoa quả, vé xe về quê… cũng được dịp mà tăng giá làm nhiều người càng xót hơn. Với những công nhân, những người bệnh đang điều trị xa quê, Tết đến là ngổn ngang những nỗi lo, bộn bề những trăn trở vì hoàn cảnh, vì cuộc sống.
Tết đến, mỗi người dù đi đâu cũng muốn về với mái ấm gia đình. Nhưng với nhiều người Tết lại là khoảng thời gian mà họ không muốn nhắc đến, thậm chí là sợ Tết . Bởi với họ Tết đến là ngổn ngang những nỗi lo, bộn bề những trăn trở vì hoàn cảnh, vì cuộc sống. "Tết đến, mọi người được gặp nhau, gia đình đoàn tụ, điều đó dù ở hoàn cảnh nào cùng có thể thực hiện được, là niềm hạnh phúc mọi người đều mong muốn. Các nghệ sĩ như chúng tôi chỉ mong muốn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình làm sao cho tốt, đưa đến mọi người cái vui, cái buồn trong cuộc sống...", NSƯT Quốc Khánh bộc bạch.
Dịp Tết cách đây một vài năm, bài tập làm văn của một học sinh lứa 10X, với chủ đề "Phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết" đã nhận được nhiều chia sẻ trên mạng xã hội. Bài văn chỉ gói gọn trong một trang giấy, lời văn giản dị, nhưng khiến nhiều bà mẹ rơi nước mắt, bởi đã nói đúng tâm lý, nỗi lòng của nhiều người phụ nữ khi xuân đến Tết về.
Em học sinh kể về những ngày Tết thiếu vắng tiếng cười vui, chỉ vì mẹ quá bận rộn trang hoàng nhà cửa. Mẹ luôn muốn ngày Tết phải hoàn hảo, chuẩn bị thật nhiều món ăn, mâm cao cỗ đầy. Mẹ tất tả từ tối cho tới khuya... Tết làm mẹ lo lắng, xanh xao, lúc nào cũng cầm chổi dọn nhà hay xoong chảo lăn vào bếp làm đồ ăn thiết khách. Tết làm mẹ mệt mỏi, chính vì lý do đó mà em ghét Tết và không mong đợi Tết đến.
Xưa nay, trẻ con bao giờ cũng mong chờ Tết. Những đứa trẻ ngày hôm nay với lăng kính trong trẻo của mình cũng đã bắt đầu cảm nhận được áp lực từ Tết. Sợ Tết dù sao cũng chỉ là một sắc thái tâm trạng và chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được điều đó nếu như nhìn mọi thứ một cách nhẹ nhàng hơn. Hãy để Tết là niềm hạnh phúc rộn rã trong những năm tháng tuổi thơ, là khoảng lặng êm đềm lúc trưởng thành, là những giây phút hân hoan bên gia đình... Và như thế là Tết đến.
Những xóm trọ “sợ Tết” VTV.vn - Tết là thời điểm mỗi người dân dù đi đâu cũng muốn trở về với mái ấm gia đình, nhưng với một số người, Tết lại là khoảng thời gian họ không muốn nhắc đến, thậm chí sợ Tết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!