Tất cả là để sân khấu tồn tại
Sau một thời gian dài dựng tiểu phẩm hài và từng bị mang tiếng là người làm "tầm thường hóa nghệ thuật", khán giả lại thấy anh xuất hiện liên tiếp trong vai trò đạo diễn các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ như: Lời thề thứ chín, Mùa hạ cuối cùng, Ai là thủ phạm và lần này sẽ là Lời nói dối cuối cùng. Giải thích cho sự thay đổi trong hướng đi, NSƯT Chí Trung cho biết: "Làm hài kịch hay dựng các vở diễn, điều mà tôi hướng đến là để sân khấu được tồn tại. Có khác chăng chỉ là hình thức phù hợp với thị hiếu của khán giả, còn mục đích không thay đổi".
Đạo diễn Chí Trung trực tiếp thị phạm cho diễn viên trong vở "Quan thanh tra"
Nghệ sĩ Chí Trung tâm đắc và tâm huyết với các kịch bản đã ra đời hơn 30 năm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ngoài tính dự báo chính xác thì tuyến kịch, tính cách nhân vật do nhà viết kịch tài hoa này xây dựng khiến Chí Trung rất hứng thú dựng vở.
Nói như vậy không có nghĩa kịch bản nào của Lưu Quang Vũ đều có thể trở lại với cuộc sống ngày nay. Anh chỉ dựng các tác phẩm còn "nóng" cùng thời đại như Mùa hạ cuối cùng nói về sự trung thực, Ai là thủ phạm nói về nguyên nhân lợi ích nhóm và Lời nói dối cuối cùng nói về sự giả dối, con người không thể có được những điều tốt đẹp dựa trên sự dối trá.
Đạo diễn Chí Trung dựng vở trước hết là để thõa mãn chính mình và truyền niềm đam mê đến các diễn viên trong đoàn. Anh từng nói với các diễn viên trẻ rằng: "Nếu các em cứ chạy theo hài kịch thì các em cứ nhỏ dần đi để chui vào cái lốt và các bộ mặt cười vớ vẩn. Nhưng khi các em dựng kịch Lưu Quang Vũ, vì nhân vật rất 'cao' nên các em sẽ lớn dần lên, trưởng thành hơn".
Không bán kịch khi còn "sống sượng"
Sau loạt kịch Lưu Quang Vũ mà Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng ra mắt, các diễn viên đều công nhận rằng Chí Trung nói đúng, bởi độ thâm trầm và sâu sắc trong kịch Lưu Quang Vũ nằm ẩn ở từng câu từng chữ. Cái khó của người diễn viên là phải diễn sao cho nảy ra được ẩn ý của Lưu Quang Vũ. Khi bắt tay vào dàn dựng Lời nói dối cuối cùng, vở diễn cổ trang với các nhân vật Bờm, Cuội, Lụa có thông điệp nhẹ nhàng hơn, NSƯT Chí Trung vẫn đòi hỏi khắt khe ở các diễn viên.
Có lẽ thế, vở diễn đáng lý sẽ ra mắt vào cuối tháng 8/2016 thì đạo diễn đã lùi thời hạn này sang đầu tháng 9 để sửa sang phần âm nhạc cho hoàn chỉnh. Và quan trọng hơn, anh chưa hài lòng với cách diễn còn chưa nhập thần của diễn viên. Ở bản dựng này, Chí Trung đã đưa Hip-Hop, Rap và đương nhiên, yếu tố hài kịch được sử dụng "mạnh tay" để pha trộn cùng tính chính luận đanh thép và hợp thời.
Tâm huyết với sân khấu, ngoài yêu cầu chất lượng chuyên môn, đạo diễn Chí Trung còn lo toan tìm đầu ra cho tác phẩm. Anh không muốn phí tiền, phí sức để rồi tác phẩm làm ra chỉ để phát vé mời. Chí Trung là một trong số ít các đạo diễn của sân khấu hiện nay làm được điều khó nhất trong quy trình sản xuất một tác phẩm sân khấu, bởi có nhiều vở diễn đã "chết" ngay sau khi vừa ra mắt vì không có nhà tài trợ đứng đằng sau hoặc không bán được vé. Và tất nhiên, một nhà hát muốn bán được vé thì chất lượng tác phẩm phải tốt.
Chí Trung tiết lộ, dù tác phẩm chưa ra mắt nhưng hiện nay, đã có doanh nghiệp mong muốn được đỡ đầu cho Lời nói dối cuối cùng. Nhưng anh sẽ không bán kịch Lưu Quang Vũ khi nó còn "sống sượng".
Khi hỏi NSƯT Chí Trung, anh có thấy phật lòng không khi người ta đã từng đánh giá anh là người làm "tầm thường hóa nghệ thuật" để chạy theo xu hướng dàn dựng hài kịch trước đây?, anh chỉ cười rồi nói: "Tôi không cần chứng minh, tự khán giả sẽ hiểu. Một người làm sân khấu tầm thường đi, chắc chắn sẽ không dại gì đi dựng kịch Lưu Quang Vũ. Và khán giả sẽ hiểu, để giữ cho hơn 200 diễn viên được làm nghề đều đặn, có một sân chơi định kỳ tại Nhà hát Tuổi trẻ vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần chắc không thể là người hời hợt".
NSƯT Chí Trung còn bày tỏ hy vọng một ngày không xa, khán giả sẽ tới rạp hát với mong muốn được thưởng thức các tác phẩm sân khấu đỉnh cao chứ không còn là tiếng cười giải trí đơn thuần.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!