Một cái cây cần nhất là được tươi nước để đủ sức vươn cao, lớn mạnh. Còn với mỗi con người, tâm hồn sẽ được nuôi dưỡng từ những trang sách. Chúng ta có thể có kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng đọc sách là cách để trí tưởng tượng mỗi người được dịp phát huy, để khả năng tư duy và tổng hợp phát triển tốt, và hơn hết, đó là sự sáng tạo không giới hạn.
Nhưng có một thực tế khi nói về việc đọc, có lẽ chi khi chúng ta hỏi nhau về sở thích, ít nhiều khi đi đó hai chữ "đọc sách" mới được liệt kê. Đọc sách hiếm khi nằm trong thói quen của nhiều người Việt hiện đại. Liệu đây có phải là sự quy chụp không?
Hãy cùng tìm hiểu qua phần Tiêu điểm "Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách" của Chuyển động 24h hôm nay.
Khi hỏi các bạn trẻ "Thời gian rảnh bạn thường làm gì?", phóng viên của Chuyển động 24h nhận được các câu trả lời như: đi đá bóng, đánh cầu lông, vẽ, lướt tiktok, facebook, nấu ăn, làm việc nhà, xem phim, nghe nhạc... nhưng gần như không một ai nhắc đến sách. Có người được hỏi cuốn sách gần nhất đọc là cuốn gì, thì thời điểm gần nhất cũng là cách đây 4 năm hoặc có bạn trẻ hỏi liệu sách giáo khoa có được coi là sách.
Việc liệt kê cả sách giáo khoa vào thói quen đọc sách thì chưa thuyết phục, nhưng có lẽ nó làm cho thực tế đọc sách của Việt Nam đỡ buồn hơn khi trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Nhưng trong đó 2,8 cuốn đã là sách giáo khoa, điều đó đồng nghĩa với việc thực chất, người Việt chỉ đọc hơn 1 cuốn sách mỗi năm. So sánh ở những nước bên cạnh thì người Singapore là 14 cuốn, người Nhật là 20 cuốn/năm. Rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với những nước khác cùng khu vực.
Trong khi các thiết bị công nghệ hiện đại đang cung cấp đủ và thậm chí quá nhiều thông tin và kiến thức mỗi ngày thì sách không phải là lựa chọn của phần lớn số đông người Việt Nam. Theo Nhà nghiên cứu sách, T.S Nguyễn Quốc Vương từng thừa nhận rằng đã không phải kèm các con học từ khi lớp 1 vì sách đã làm thay anh điều đó.
Theo anh Nguyễn Quốc Vương thông tin được lan truyền và đóng gói trong nhiều dạng khác nhau nhưng không thể thay thế được sách.
"Nếu muốn tìm hiểu cặn kẽ một vấn đề nào đó, có hệ thống và chiều sâu thì phải đọc sách. Sách cũng mang lại một trí tưởng tượng tuyệt vời và từ trí tưởng tượng sẽ có sự sáng tạo. Có một thực tế đáng buồn là có những căn nhà rất đẹp nhưng lại không có sự hiện diện của tủ sách. Một ngôi nhà thì cần phải có tủ sách. Bố mẹ cũng cần phải làm gương để con cái noi theo. Nếu bố mẹ không đọc sách, không có kiến thức thì đứa trẻ sẽ không còn sự ham muốn khám phá kiến thức" - anh Vương cho biết.
Đọc sách không chỉ là thói quen để giải trí, nó còn được coi như một cách đầu tư sinh lời, chi phí rẻ nhất cho tương lai của trẻ. Hiểu được điều này, không ít cha mẹ cũng đã đầu tư nhiều thời gian hơn cho con và cũng phải sáng tạo rất nhiều cách khác nhau để cùng con đọc sách. Tình yêu với những trang sách cũng được nuôi dưỡng từ trong mỗi gia đình như thế.
Chơi với sách, đố sách là những hoạt động vui nhộn vừa gắn kết gia đình, vừa giúp các bé thỏa óc tưởng tượng, sáng tạo. Bên cạnh sự định hướng và nỗ lực chủ động từ mỗi gia đình, môi trường học đường và xã hội cũng đang mang tới một "cộng đồng đọc". Điển hình như từ tháng 7/2023, HĐND TP. Hà Nội đã thống nhất miễn phí sử dụng thư viện trên địa bàn để khuyến khích phát triển văn hóa đọc của người dân thủ đô.
Các thư viện được đầu tư số lượng sách lớn, đầu sách đa dạng hơn, không gian đọc sách cũng được tu sửa đẹp và rộng hơn phục vụ bạn đọc. Sự kết nối với sách cũng gia tăng khi mỗi thủ thư đều được đào tạo để trò chuyện nhiều hơn với bạn đọc về sách, các trang web và fanpage đưa vào sử dụng như một hình thức lan toả văn hoá đọc. Các hội viên đăng kí sử dụng thẻ trực tuyến hoặc trực tiếp, với khách vãng lai thì truy cập bằng căn cước công dân. Và tất cả đều hoàn toàn miễn phí từ 8h đến 21h mỗi ngày.
Không chỉ có các thư việc trực thuộc nhà nước, thời gian gần đây có rất nhiều những mô hình thư viện cộng đồng được mở ra, tạo sự thu hút với người đọc. Những mô hình có cách triển khai độc đáo từ ngõ tới công viên.
Đó là cách thức hoạt động của thư viện yêu thương, với mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc sách tới tất cả mọi người, đặc biệt là tạo sân chơi lành mạnh cho các cháu nhỏ.
Người đọc không mất phí, người trông nom thư viện không được trả phí nhưng nhóm những người cao tuổi ở đây đều tự nguyện phân chia trông thư viện. Từ ngõ phố tới công viên, những thư viện với những cách thức khác nhau nhưng đều có mục tiêu chung là hướng tới văn hóa đọc, giúp cho sách gần hơn và có giá trị tới cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!