Phim Spotlight giành giải Oscar: Chiến thắng xứng đáng cho sự giản dị và lòng quả cảm

Vũ Thược-Thứ ba, ngày 01/03/2016 06:00 GMT+7

Ê kip sản xuất phim Spotlight vỡ òa trong niềm vui chiến thắng khi phim được xướng lên ở hạng mục Phim xuất sắc nhất (Ảnh: Guardian)

VTV.vn - Chiến thắng của Spotlight ở hạng mục Phim xuất sắc nhất Oscar 2016 là sự ghi nhận xứng đáng cho một thông điệp mạnh mẽ, dũng cảm và giàu tính nhân văn.

Trước khi lễ trao giải Oscar 2016 chính thức diễn ra, dường như mọi sự chú ý đổ dồn cả về The Revenant nơi nam tài tử Leonardo DiCaprio phô diễn tài năng và đứng trước cơ hội giành tượng vàng sau hơn 20 năm chờ đợi. Hành trình từ cõi chết trở về của Hugh Glass cũng được kì vọng mang tới chiến thắng lần thứ 2 liên tiếp ở hạng mục cuối cùng Phim xuất sắc nhất cho đạo diễn người Mexico Alejandro G. Iñárritu.

Tuy nhiên, Viện hàn lâm đã khiến người xem bất ngờ ở phút cuối khi quyết định trao tượng vàng danh giá nhất cho bộ phim được làm với kinh phí thấp hơn nhiều và chắc chắn là ra mắt âm thầm hơn rất nhiều - Spotlight.

Khác với những câu chuyện được kể bằng nhiều thủ pháp khác như trong The Big Short hay tác phẩm điện ảnh có tính sử thi hùng tráng như The Revenant, phim của đạo diễn Tom McCarthy được dựng lại với đúng những gì diễn ra trên thực tế về series bài đình đám hàng đầu của Spotlight – một trong những nhóm nhà báo điều tra có lịch sử lâu đời nhất nước Mỹ của tờ The Boston Globe.


Phim được dựng trên một câu chuyện có thật

Phim được dựng trên một câu chuyện có thật

Giản dị mà mạnh mẽ

Vào năm 2001, tờ The Boston Globe có tổng biên tập gốc Do Thái mới Baron Marty. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhóm Spotlight, Marty đặt ra câu hỏi tại sao nhóm không theo một đề tài vốn chỉ được đưa rất thoáng qua trên một số báo về cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em của một linh mục tại thành phố.

Ngay lập tức có ý kiến phản đối bởi Giáo hội Công giáo là thế lực vô cùng mạnh, chẳng ai dại gì động đến. Nhưng rồi từ những manh mối và những nhân chứng đầu tiên, cả nhóm không thể hình dung được mình đang bước vào một trong những vụ điều tra làm chấn động dư luận nước Mỹ, thực hiện việc chưa có tiền lệ trước đó là tờ báo kiện Giáo hội công giáo, đưa ra ánh sáng hàng loạt những vụ lạm dụng tình dục bẩn thỉu được che đậy, xoá dấu vết trong hàng chục năm trời. Danh sách gần 90 linh mục mà Spotlight đưa ra khiến bất cứ ai cũng cảm thấy khó thở.

Kể về một trong những vụ điều tra kỳ công và chưa có tiền lệ, nhưng mạch phim và cách kể chuyện của đạo diễn McCarthy lại rất giản dị, mọi thứ được kể với đúng bản chất của nó, hoàn toàn không có sự màu mè, lên gân hay tô vẽ nào. Đây cũng là điều được các nhà phê bình đánh giá cao. Nhiều người thừa nhận, họ đã chờ đợi một bộ phim với nhiều thủ pháp và kỹ thuật hơn nhưng thực tế đã khiến họ bất ngờ.

“Cách kể chuyện quá thông minh”, nhà phê bình Libby Nelson đánh giá trên tờ Variety.

Thậm chí, Spotlight chân thực đến nỗi, bất cứ ai làm báo dù tính chất công việc khác nhau đều thấy hình ảnh của mình trong đó. Đó là những cuộc họp đề tài chớp nhoáng, những lần thuyết phục nhân chứng nói ra vấn đề, đeo bám nhân vật để lấy chứng cứ, bị đối tác từ chối phũ phàng, bị đe dọa hay công việc lâm vào bế tắc chỉ vì lý do khách quan mang tính thời điểm; là sự thú nhận chính mình đã bỏ qua những đề tài không được phép bỏ qua…

Nhưng Spotlight cũng là công việc mà bất cứ ai học trường báo cũng mơ ước được làm một lần trong đời. Đó là ngồi trong thư viện hàng tuần liền, đối mặt với hàng nghìn trang tài liệu để lần theo dấu vết của kẻ phạm tội; là được đi tới tận cùng của vấn đề; là khi tiếng nói của sự thật được ủng hộ và khuyến khích để nói ra và nói ra để giải quyết một “hệ thống” thay vì những “hiện tượng” nhỏ lẻ…


Nhóm Spotlight bên hàng chồng tài liệu về vụ điều tra

Nhóm Spotlight bên hàng chồng tài liệu về vụ điều tra

Thay vì nói những thứ vĩ mô, thông điệp cuối cùng mà Spotlight hướng tới là nhà báo, hay bất cứ ai nếu kiên trì, dũng cảm theo đuổi sự thật, cuối cùng sẽ tiếp cận được sự thật.

Nhiều nhà phê bình cho biết, họ bị ám ảnh bởi hàng dài danh sách và số lượng nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục ở khắp nơi trên thế giới hiện ra ở cuối phim. Bằng một tác phẩm điện ảnh, một vấn đề không mới đã được các nhà làm phim đưa lại thành vấn đề thời sự tươi mới, thúc giục người ta phải lên tiếng và hành động.

Trên sân khấu lễ trao giải, các nhà sản xuất khẳng định, phim là "tiếng nói của những người sống sót, giúp thanh âm của sự việc trở nên mạnh mẽ hơn, để đi đến được cái đích cuối cùng là Đức giáo hoàng". Các nhà sản xuất cũng gửi lời tri ân tới các nhà báo dũng cảm, đồng thời nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của điều tra báo chí độc lập trong đời sống xã hội.

Dàn diễn viên trong phim với Mark Ruffalo, Michael Keaton, Rachel McAdams, Live Schreiber, John Slattery… đã hoá thân trọn vẹn vào các nhân vật trong hành trình cuộc điều tra sau này đã đem lại giải Pulitzer cho tờ The Boston Globe.

Cũng không lên gân, họ chính là hình ảnh của những nhà báo hàng ngày bằng công việc của mình đưa sự thật tới gần hơn với công chúng bằng một trách nhiệm cao với xã hội. Và khi đọc những bài báo, ít ai biết rằng, họ đã phải trải qua những giây phút khó khăn thế nào khi đối mặt với tin tức.

Vượt qua những đối thủ nặng ký như The Big Short, Bridge of Spies, Brooklyn, Mad Max: Fury Road, The Martian, The Revenant, Room, Spotlight đã giành giải Phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar diễn ra vào tối 28/2 theo giờ Mỹ. Phim được làm chỉ với vỏn vẹn kinh phí khoảng 20 triệu USD, nhưng thu về cho các nhà sản xuất 61 triệu USD. Độc giả trên trang chuyên về điện ảnh imdb đã chấm Spotlight với điểm 8.2/10.

Trailer phim Spotlight

Trailer phim Spotlight

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước