Phương Mai đã chứng tỏ được bản lĩnh diễn xuất của mình với Chung cư ma - Ảnh: CGV
Điểm chung nhất của hai phim? Đó là hai đạo diễn Văn M. Phạm, Phan Minh là hai cái tên lạ hoắc, trong khi các diễn viên là những người quen!
Chung cư ma - ma có thật không?
Một nhà văn trẻ tên Lan (Phương Mai) chuyển đến một chung cư sống cùng với con trai sau cái cớ ly thân với chồng vì anh ta ngoại tình. Căn hộ mà cô thuê là của một phụ nữ lớn tuổi vừa là chủ nhà kiêm luôn nghề... thầy cúng.
Bà chủ nhà đã tặng cho nhà văn một chiếc hộp nhạc. Và dĩ nhiên, như cái cớ thông thường của môtip phim kinh dị Mỹ, cái hộp nhạc ẩn chứa một hồn ma...
Chung cư ma có nhiều ưu điểm của một phim tốt. Phim quay đẹp, đạo diễn có nghề cho thấy rõ một tay chuyên nghiệp chứ không phải tay mơ nhát ma khán giả bằng mấy trò kiểu bôi lọ nghẹ dọa con nít như ông kẹ. Tuy nhiên, phần đầu phim có cảm giác đạo diễn hơi lạm dụng tiếng động nên phim khá ồn.
Phương Mai (người mẫu - diễn viên quen thuộc từng có mặt ở Âm mưu giày gót nhọn, Scandal 2 - Hào quang trở lại... và một số phim truyền hình) vẫn rất biết tận dụng lợi thế của một gương mặt điện ảnh, đài từ chuẩn với biểu cảm riêng để tạo ra hình ảnh một cô nhà văn hơi kỳ dị, vừa cá tính vừa bí ẩn.
Quang Sự (diễn viên được biết loáng thoáng qua Để Mai tính 2) với vai chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ khù khờ nhắng nhít chỉ ở mức tròn vai mà chưa tạo được ấn tượng mạnh hơn với khán giả.
Riêng Hoàng Phúc (vai ông Xung) thì để lại dư vị tiếc nuối nhiều hơn bởi vai diễn của anh không đột phá, cái bất ngờ của sự trở lại hoành tráng với ông trùm trong Bẫy rồng không còn nữa.
Có lẽ điểm mạnh nhất của Chung cư ma là cái kết. Cú twist (đảo chiều) cuối phim đủ nặng để đỡ được khá nhiều những miếng đòn gió mà đạo diễn giăng ra ở phần đầu, những câu thoại ẩn ý, những chi tiết nửa vời.
Và đằng sau một tên phim khiêu khích
Tốc độ và đường cong không phải là một tên phim bình thường. Rõ ràng những người làm phim tin rằng với tên đó, phim sẽ gây được chú ý bởi cả hai cụm từ trên đều khá thời thượng. Nhưng với các khán giả khó tính, tên phim lại khó lấy cảm tình.
Giống với Chung cư ma, Tốc độ và đường cong cũng không lạ với môtip quen gặp ở phim Mỹ. Những cậu trai mê tốc độ, những chiếc xe hơi đời mới, những cô gái đẹp và sành điệu...
Tốc độ và đường cong - một phim Việt khá tốt đằng sau cái tên phim khiêu khích - Ảnh: Galaxy
Việt (Khương Ngọc) là chủ một gara xe hơi, cậu ta mê đua xe, mê độ xe và sẵn sàng ném cả gia sản của mình vào tốc độ. Nin (Quý Bình) với gốc gác trẻ mồ côi, giống như Việt, lạ thay, cũng giống luôn cả sở thích với xe hơi. Đan Trinh (Diễm My) là cô gái xinh đẹp luôn chạy theo tìm kiếm Việt. Ba người này sẽ đụng chuyện ra sao?
Khương Ngọc - Quý Bình - Diễm My là ba diễn viên trẻ của màn ảnh rộng Việt. Mỗi người trong số họ đều có trong tay một vài phim điện ảnh. Khương Ngọc là Saigon Yo!, Scandal - Bí mật thảm đỏ... Quý Bình với Đam mê, Đường đua và Diễm My là Mỹ nhân kế, Để Mai tính 2.
Nhưng với sự hội ngộ lần đầu tiên của cả ba gương mặt này trong một phim, dường như khán giả có thể nhận diện một thế hệ diễn viên mới đủ sức thay thế một thế hệ diễn viên cũ thường xuyên "lĩnh ấn" đào kép chính trên màn ảnh mấy năm trở lại đây.
Có thể nói, với Đan Trinh, Diễm My đã có cơ hội thể hiện năng lực diễn xuất của mình. Khương Ngọc và Quý Bình thì giữ được cái duyên điện ảnh đã được thừa nhận và tiến thêm một bước ở phim này khi Việt và Nin nhiều lần làm người xem nổi gai ốc.
Tất nhiên, Chung cư ma, Tốc độ và đường cong vẫn còn nhiều khiếm khuyết, những khiếm khuyết dễ gặp ở phim đầu tay như nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đã khá khắt khe khi nhận xét: "Chung cư ma nệ công thức, formula & cliché (công thức và sáo rỗng) nên càng bày nhiều trò càng vô cảm. Tốc độ và đường cong thì nhào nặn kịch bản... kinh khủng, nghĩ ra cái gì làm nấy, đường dây và tính cách nhân vật cứ như tàu lượn, kịch tính cưỡng ép, chất liệu sử dụng bừa bãi, twist hết hồn...”.
Nhưng khi chỉ với một tháng 12 này đã có đến năm phim Việt ra rạp thì với các gương mặt mới, có nghề như đạo diễn hai phim trên phải chăng đã là những tín hiệu đáng để vui cho phim Việt?
Người lạ rồi sẽ thành quen?
Văn M. Phạm tốt nghiệp ĐH Washington State tại Mỹ chuyên ngành sản xuất và ĐH Chapman chuyên ngành đạo diễn, sau đó tiếp tục theo học đạo diễn và sản xuất phim tại ĐH Wales. Anh từng làm các phim A different corner, Beyond the mat, đồng sản xuất phim Oan hồn của Victor Vũ. Chung cư ma là phim đầu tiên Văn M. Phạm làm đạo diễn kể từ khi anh quyết định về VN.
Phan Minh được đào tạo chuyên ngành đạo diễn năm năm tại học viện điện ảnh New York Film Academy. Năm 2011, Phan Minh sáng lập Công ty Vi-Phim. Năm 2012, Phan Minh là đồng sản xuất cùng đạo diễn Lưu Huỳnh trong phim Lấy chồng người ta, rồi đồng sản xuất Hiệp sĩ mù.
Tốc độ và đường cong là bộ phim đầu tiên Phan Minh làm đạo diễn kiêm giám đốc sản xuất, đồng tác giả kịch bản và dựng phim.
|