Quảng cáo qua điện thoại: Quảng cáo cũng cần văn hóa

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 26/03/2023 14:14 GMT+7

VTV.vn - Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp và khách hàng, quảng cáo cũng cần phải có văn hóa, dù với hình thức nào.

Trong khoảng thời gian cao điểm, mỗi sim di động trong 24 giờ có thể nhận hàng chục tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo dịch vụ bất động sản, sim số đẹp, làm bằng, chứng chỉ… với nguồn phát tán đa phần là sim rác, sim 11 số. Điều này khiến nhiều người cảm thấy chán ngán đến mức không muốn nghe điện thoại gọi đến từ số lạ, vì cứ bắt máy là sẽ bị mời mua nhà, mua đất, mua bảo hiểm, thậm chí là mua cả đất nghĩa trang, bất chấp thời điểm, bất chấp thời điểm nào trong ngày, từ sáng sớm trong khi họp hành, làm việc đến khi ngủ. Đây là quảng cáo hay làm phiền hay thậm chí khủng bố khách hàng?

"Bản thân tôi cũng phải nghe rất nhiều, ngày ít cũng hơn chục cuộc gọi, ngày nhiều là hơn 30 cuộc gọi, khủng khiếp" – ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê chia sẻ - "Không cần biết đối tượng mình gọi đến có nhu cầu hay không và hy vọng câu được một con cá là cách làm quá lỗi thời rồi. Vừa mất thời gian, mất tiền bạc, tốn kém công sức và gây sự bức xúc, khó chịu khi người ta bận rộn. Đây gọi là một thảm họa. Với người dân, họ thường chặn các số điện thoại lạ nhưng cũng không xuể được".

Theo số liệu của Bộ Thông tin và truyền thông, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, số cuộc gọi phát sinh từ thuê bao rác là 74 triệu cuộc gọi, tăng tới 53% so với cùng kỳ của năm 2021. Thực tế, ai trong chúng ta cũng đang là nạn nhân của những tin nhắn, cuộc gọi làm phiền.

Quảng cáo là những nỗ lực nhằm tác động đến hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng, bằng cách cung cấp những thông điệp bán hàng, thuyết phục người mua về sản phẩm, dịch vụ của người bán. Tuy nhiên, cung cấp thông điệp hay thuyết phục mà không quan tâm đến nhu cầu thực sự của khách hàng và với tần suất dày đặc thì quảng cáo sẽ trở thành làm phiền hay thậm chí là khủng bố khách hàng.

Công bằng mà nói, trong số tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ có những tin cũng đã tìm được đến đúng với người cần sản phẩm, dịch vụ. Đây thực chất là một hoạt động quảng cáo bản hàng thông qua điện thoại. Theo báo cáo của LinkedIn – một mạng xã hội định hướng kinh doanh, có tới 92% khách hàng tương tác dựa trên điện thoại và cảm thấy nó hữu ích. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải đúng người và đúng thời điểm. Bởi nếu như không phù hợp, quảng cáo thậm chí có tác dụng ngược lại. Người dân, khách hàng cảm thấy bị làm phiền, khó chịu thì sẽ tẩy chay.

"Doanh nghiệp có nên từ bỏ telesale không? Rõ ràng, đâu đó telesale vẫn có hiệu quả, nhất là khi doanh nghiệp mới, sản phẩm mới chưa được nhiều người biết đến. Telesale cần phải ngày càng tập trung vào đúng đối tượng hơn. Chúng ta sống trong thế giới số, có nhiều cách để tìm hiểu đối tượng mình muốn gọi điện tới là ai, họ có quan tâm tới điều mình chào bán hay không. Có nhiều giải pháp kết hợp giữa truyền thống và kỹ thuật số như quảng cáo thu hút đối tượng vào các nền tảng số của mình… Thời thế mỗi ngày mỗi khác, phương thức tiếp thị và bán hàng cũng phải đổi mới", ông Lê Quốc Vinh cho hay.

Ở một khía cạnh khác, không chỉ nhận được những tin nhắn quảng cáo vô duyên, phản cảm từ doanh nghiệp, người dùng hiện còn liên tục bị quấy rối bởi những tin nhắn lừa đảo, mời tham gia các hoạt động trái pháp luật như đánh bài, cá độ, thậm chí cả mại dâm. Điều đáng nói là những tin nhắn này xuất hiện giống hệt các tin quảng cáo, với nội dung phản văn hóa.

Hiện nay, Bộ Thông tin và truyền thông đang gấp rút xử lý những tin nhắn, cuộc gọi rác. Sau ngày 31/3, tất cả những thuê bao không chính chủ sẽ bị cắt chiều gọi đi. Đó là động thái quyết liệt từ cơ quan chức năng. Còn xét ở góc độ doanh nghiệp, người bán hàng, dịch vụ, chính từ những quảng cáo bán hàng làm phiền, hay có thể là lừa đảo đã hình thành một tâm lý từ chối lắng nghe quảng cáo từ người tiêu dùng. Chưa cần biết quảng cáo về sản phẩm gì, khách hàng sẽ nhanh chóng cúp máy.

Quảng cáo tiếp thị là lĩnh vực của kinh doanh, cung cấp thông tin cho người dùng, mang đến sản phẩm, dịch vụ mới. Có nhiều hình thức, phương tiện quảng cáo khác nhau và mục đích cuối cùng là làm sao để khách hàng, người tiêu dùng biết đến sản phẩm và sử dụng. Tuy nhiên, đa phần ý kiến chia sẻ từ khách hàng, cách thức quảng cáo này đang gây ra nhiều phiền toái, rắc rối, dẫn đến tâm lý từ chối tiếp nhận quảng cáo, thậm chí là tẩy chay nhãn hàng. Để thay đổi điều này, các doanh nghiệp quảng cáo cần xác định rằng quảng cáo dù bằng bất kỳ hình thức nào cũng là một sản phẩm văn hóa, phản ánh các giá trị văn hóa tác động đến nhận thức, hành vi, lối sống, văn hóa thẩm mỹ của mọi người. Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp và khách hàng, quảng cáo cũng cần phải có văn hóa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước