Tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, vài năm gần đây nếu phải đặt câu hỏi cuối tuần đi đâu, làm gì, thì có một lựa chọn ngày càng thu hút nhiều người, đó là đi chơi phố sách. Đây không chỉ là nơi để mua sách, mà còn để ngắm sách, check-in chụp ảnh, uống cà phê trong một không gian tao nhã hiếm nơi khác có được. Phố sách đã trở thành một nét văn hóa mới trong đời sống đô thị, với hơi thở riêng, nhịp đập riêng của nó. Tại Hà Nội, phố sách nằm trên đường 19/5, được thành lập từ giữa năm 2017. Sau 6 năm, đây đã trở thành điểm hẹn tri thức quen thuộc của độc giả yêu sách Thủ đô cũng như khách du lịch.... Đặc biệt, các sự kiện vào dịp Tết Nguyên đán và vào những ngày cuối tuần thu hút đông đảo người dân trải nghiệm.
Phố sách nhưng không chỉ có sách, còn có không gian cà phê, góc trải nghiệm và sân khấu trung tâm, nơi diễn ra hơn 300 sự kiện giao lưu tác giả, tác phẩm và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong 6 năm qua. Năm nay lượng độc giả tìm đến đây tăng 90% so với năm ngoái. Đến phố sách Hà Nội người ta còn dễ dàng bắt gặp những buổi quyên góp sách cho trẻ em nghèo như thế này. Nhân lên tình yêu sách, và gửi tình yêu ấy đến muôn vạn nẻo đường đất nước.
Nói tới mô hình phố sách đầu tiên và thành công nhất thì phải là đường sách thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm mà Đường sách TP.HCM ra đời, năm 2016, cũng là lúc mà hoạt động xuất bản, phát hành gặp không ít khó khăn: hàng loạt nhà sách lớn phải đóng cửa hay hoạt động cầm chừng. Con số thống kê cho thấy, mỗi người Việt Nam chỉ đọc chưa được 1 cuốn sách/năm. Chính vì vậy, sự ra đời của mô hình đường sách đầu tiên tại Việt Nam cũng làm dấy lên không ít băn khoăn. Thế nhưng, qua 7 năm tồn tại, đường sách đã phục vụ tới 15 triệu lượt khách, doanh thu không ngừng gia tăng. Bí quyết thành công trước tiên chính là cách tổ chức hoạt động hài hòa lợi ích công- tư, nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.
Quyết định mang tính đột phá chính là việc UBND thành phố Hồ Chí Minh trao con đường hơn 100 mét ở vị trí đắc địa ngay trung tâm quận 1 cho không gian đường sách. Không gian đã có, vậy vận hành ra sao? Ban quản lý đường sách phải năng động, không mang tính hành chính sự vụ, nhưng cũng không được chỉ chạy theo doanh thu, vi phạm nguyên tắc phi lợi nhuận. Để đáp ứng yêu cầu này, công ty TNHH một thành viên đường sách thành phố Hồ Chí Minh được thành lập chỉ hơn 10 ngày sau khi Đường sách ra mắt với cơ quan chủ quản là Hội Xuất bản Việt Nam.
"Trong phương thức hoạt động, công ty Đường Sách và những người quản lý vận hành tạo ra những điều kiện tốt nhất để cho các đơn vị tổ chức các hoạt động phục vụ cho công chúng của mình. Khi mình phục vụ tốt cho công chúng thì chính công chúng mang lại cho mình doanh thu", ông Lê Hoàng - Giám đốc công ty TNHH một thành viên Đường Sách thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Năm 2016 doanh thu của đường sách thành phố Hồ Chí Minh là 26,5 tỷ đồng. Tới nay, doanh thu đã tăng gấp đôi. Hơn 3 triệu lượt khách cùng 435 sự kiện được tổ chức tại không gian này trong năm qua, hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa. Những con số này cho thấy việc lựa chọn mô hình quản lý hài hòa lợi ích công tư đã và đang giúp cho đường sách thành phố Hồ Chí Minh phát triển vững chắc, ngày càng khởi sắc.
"Phải tạo ra cơ chế hoạt động, mô hình hoạt động và hiệu ứng truyền thông đủ tốt để từ đó phát huy hiệu quả hoạt động của các đường sách. Phải có sự kết hợp hài hòa từ trung ương tới địa phương, làm thế nào để tạo có không gian, đặc biệt cho các bạn trẻ có thời gian, không gian đọc sách. Tôi nghĩ ví dụ như việc xây dựng các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thay vì ở tại trường hay đi thăm quan các địa điểm văn hóa thì cũng có thể kết hợp thăm quan đường sách, phố sách, tạo không gian cho các bạn nhỏ làm quen, thích thú, yêu môi trường đọc sách. Hoàn toàn có thể mang thư viện lưu động vào không gian của đường sách, phố sách để tạo ra địa điểm thu hút các bạn đọc đến quan tâm sách, nhất là những sách có giá trị bền vững, chuyển giao qua nhiều thế hệ" - Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết.
Trên thế giới, các phố sách, chợ sách cùng với các bảo tàng, thư viện chính là biểu tượng của văn minh, nên rất được đầu tư chăm chút. Chẳng hạn như ở Iraq, dù trải qua nhiều năm chiến tranh và biến động chính trị, nhưng văn hóa đọc sách vẫn đang hồi sinh mạnh mẽ tại Iraq nhờ những nỗ lực đến từ cả chính quyền và người dân. Nhiều phố sách đã được đầu tư phát triển và trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn. Một trong số đó phải kể đến phố sách Farahidi ở thành phố Basra.
Trên con phố sách Farahidi mới được cải tạo, những người yêu sách và du khách... giờ đây có thể chiêm ngưỡng hàng loạt ki-ốt mới bằng gỗ, hệ thống đèn ngoài trời và vỉa hè rộng rãi. Ngoài các quầy bán sách, cơ sở vật chất tại khu phố này cũng được cải thiện đáng kể với không gian đọc thơ hay tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Dù mới được thành lập từ năm 2015, nhưng nhờ sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, phố sách Farahidi đã trở thành một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua của thành phố Basra.
Trở lại Việt Nam, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều tỉnh thành coi phố sách là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển văn hóa. Ngoài 4 phố sách hiện đang hoạt động sôi nổi ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Tháp, một số tỉnh, thành phố cũng đang tham khảo các mô hình để xây dựng đường sách, phố sách tại địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh còn tham vọng đưa Hồ Chí Minh vào danh sách Thủ đô sách Thế giới vào năm 2025. Đó thực sự là những tín hiệu vui cho sự hồi sinh của văn hóa đọc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!