Sau gần 1 năm thực hiện dự án "Thống kê, sưu tầm, khôi phục và truyền dạy hoa văn cổ của người Chăm" do Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Nghệ thuật Văn hoá Dân gian của Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam (CEEVN) tài trợ, đến nay, làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận cơ bản đã sưu tầm, phục chế và phát triển được các loại hoa văn cổ Chăm được coi là thất truyền từ lâu. Đồng thời, xây dựng được đội ngũ nghệ nhân trẻ kế thừa đầy tài năng.
Hoa văn thổ cẩm của người Chăm có nghệ thuật dân gian độc đáo, chuyển tải nhiều hình ảnh về thiên nhiên, cảnh sinh hoạt trong cuộc sống lao động, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian và dấu ấn tôn giáo của người Chăm. Nhưng hiện nay một số nghệ nhân đã già và lần lượt ra đi nhưng không có thế hệ trẻ tiếp nối. Số lượng nghệ nhân biết các kỹ thuật tạo hình hoa văn cổ còn rất ít.
Ở làng Mỹ Nghiệp chỉ có khoảng 5 người là nghệ nhân biết nhiều loại hoa văn. Sau khi cụ Phú Thị Mỡ qua đời, nhiều người khác đang bị bệnh vì tuổi già sức yêu thì làng chỉ còn 2 nghệ nhân biết kỹ thuật tạo những hoa văn cổ. Vì vậy, một số lượng đáng kể hoa văn cổ đẹp mắt, tinh xảo đã dần thất truyền, mai một.
Dự án nói trên chính là để bảo tồn và phát triển các loại hoa văn cổ của người Chăm. Bước đầu thực hiện dự án, các thành viên trong nhóm đã thống kê, sưu tầm 95 hoa văn được coi là đang bị thất truyền trong các làng Chăm. Trong đó, có 65 mẫu hoa văn do ông Quảng Văn Đại, ở làng Chăm Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước tìm kiếm và sưu tầm. Đặc biệt là có những mẫu hoa văn ít người Chăm còn biết đến.
Ông Quảng Văn Đại cho biết: “Tôi cho Mỹ Nghiệp mượn các mẫu hoa văn xưa là vì hiện nay ở Mỹ Nghiệp, bà con đang tập trung ra sức phục chế và đúng theo ý nguyện của tôi. Tôi thấy nếu bà con phục chế được thì rất quý”.
Song song với việc sưu tầm và phục chế hoa văn cổ Chăm để đưa vào dệt, nhóm dự án còn tổ chức mở lớp truyền dạy cách tạo hình hoa văn cổ cho 12 học viên. Các học viên được các nghệ nhân dạy cho các kỹ thuật tạo hình hoa văn, ý nghĩa của từng loại hoa văn và kỹ thuật dệt. Hiện tại, các học viên đã tạo hình được những hoa văn cổ tiêu biểu trong đời sống hàng ngày đã bị thất truyền trước đây.
Nghệ nhân Vạn Thị Thảng – người trực tiếp truyền dạy kỹ thuật tạo hình hoa văn thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết, bà sẽ cố gắng truyền đạt hết những gì mình biết cho các thế hệ trẻ, với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của làng. Bà Thảng nói: “Các nghệ nhân năm xưa rất giỏi, bây giờ chúng tôi đang cố gắng khôi phục lại hoa văn xưa, tìm tòi nhiều mẫu xưa hơn, kỹ thuật sắc sảo để làm và truyền lại cho con cháu sau này”.
Hiện nay, ngoài những kiểu hoa văn truyền thống đang sử dụng phổ biến, nghệ nhân làng nghề cùng Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp đã đưa thêm 22 loại hoa văn cổ Chăm đẹp và bắt mắt vừa khôi phục được thiết kế vào các sản phẩm mới. Đồng thời, những sản phẩm mới này đã được bán, trưng bày tại khu nhà trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã làng nghề nhằm để giới thiệu đến du khách trong và nước khi đến tham quan du lịch tại làng Văn hóa Mỹ Nghiệp.
Anh Phú Tuệ Năng – Phó chủ nhiệm dự án “Thống kê, sưu tầm, khôi phục và truyền dạy hoa văn cổ của người Chăm” cho biết: “Chưa thống kê và phục chế được hết, tuy nhiên với những gì mình đã làm được thì sau này có thể giúp cho bà con ở các nơi có nhu cầu, hay không làm được những hoa văn cổ này thì có thể đến để học hỏi. Cái thứ hai nữa, chúng tôi đã ứng dụng các hoa văn cổ vào dệt, tạo đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ làm một website hay tạo một kênh truyền dạy, hướng dẫn để đồng bào cũng như khách du lịch biết vì sao nó đẹp, nó có hoa văn như vậy và vì sao giá cả của nó cao”.
Một mùa xuân mới lại về, làng dệt thổ cẩm Chăm truyền thống Mỹ Nghiệp lại rộn ràng, sôi động hơn trong tiếng thoi đưa, khung cửi dệt vải. Những cô gái trẻ Chăm trổ tài thêu dệt, thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay dệt nên những tấm thổ cẩm với sắc màu, hoa văn tinh tế, tạo nên nét xuân đặc trưng riêng vốn có của làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.