Hè về, câu chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em lại nóng. Sân chơi cho trẻ em không chỉ là khuôn viên vui chơi để trẻ em chạy nhảy, chơi trò chơi mà nó còn bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ thông qua vui chơi giải trí. Số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích thường tăng đột biến trong dịp hè, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Điều này có một phần nguyên nhân là do trẻ thiếu sân chơi an toàn.
Ở các thành phố, các sân chơi bị bó hẹp, chiếm dụng. Còn ở vùng nông thôn, nhiều thiết chế văn hóa cho thiếu nhi có sẵn nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu.
“Hiện nay, theo số liệu của Bộ VHTT-DL, chúng ta mới có khoảng 76,7% là các địa chỉ cấp xã phường có thiết chế văn hóa mà trẻ em tham gia được. Chúng ta phải làm sao tổ chức được các hoạt động sử dụng thiết chế sẵn có hoặc kêu gọi đầu tư từ ngân sách địa phương, kết hợp với nguồn vận động xã hội để có thể có nơi vui chơi cho trẻ em. Ngoài có điểm vui chơi, điều quan trọng nữa là phải có người vận hành, hướng dẫn các em”, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ.
Trong thời đại số phát triển, để kéo các em khỏi điện thoại, máy tính thì không có gì bằng các trò chơi ngoài trời thú vị. Các trò chơi vận động còn giúp trẻ rèn luyện thể chất và kỹ năng giao tiếp xã hội, từ đó giúp trẻ tự tin, hòa đồng. Tạo môi trường an toàn, lành mạnh để được thoải mái chơi đùa là điều được người lớn quan tâm. Một số địa phương đã có cách làm sáng tạo để trẻ được phát triển toàn diện vào dịp hè.
"Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 đã được phát động với phương châm mỗi người một hành động thiết thực, mỗi xã phường một công trình thiết thực dành cho trẻ em. Việc chúng ta hình thành, sửa chữa, xây lắp mới và có người vận hành, mở rộng các sân chơi có ý nghĩa rất quan trọng, thực hiện lời hứa của người lớn với trẻ em làm sao để các em có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, vui hơn”, ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm.
Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực châu Á ký phê chuẩn, cũng như Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam đều khẳng định trẻ em có quyền vui chơi, giải trí, phát triển văn hóa tinh thần. Sân chơi ngoài trời, sân chơi trong nhà, thư viện, câu lạc bộ chiếu phim…, các hoạt động giải trí vui chơi lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, trí tuệ, đạo đức và thể chất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!