Những hàng ghế đợi khán giả
Nếu như bình thường, 6 tháng đầu năm là thời điểm sân khấu xiếc nhộn nhịp và đông đúc khán giả hơn cả thì đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các buổi biểu diễn chỉ còn biết trông chờ vào may rủi.
NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: "Sau giãn cách xã hội, mỗi tuần chúng tôi chỉ còn 2 buổi biểu diễn vào tối thứ 7 và sáng chủ nhật. Thế nhưng tối thứ 7 nếu không bán được vé thì buổi biểu diễn cũng không diễn ra, nghệ sĩ lại phải ra về. Còn buổi biểu diễn sáng Chủ nhật là phục vụ mục đích chính trị, giá vé đồng hạng, nên vẫn diễn bình thường. Thế nhưng có hôm cũng chỉ có 100 khán giả".
Những hàng ghế trống khán giả
Khán đài của Rạp xiếc Trung ương được xây dựng có hàng nghìn chỗ ngồi. Thế nhưng, giờ đây chỉ có 1/10 số ghế được lấp đầy. Trong khi, 1 show diễn xiếc diễn ra cần lực lượng đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, kĩ thuật… lên đến 50 người. Bởi thế, thù lao của nghề xiếc vốn đã ít nay lại càng khó khăn hơn.
"Cách đây mười mấy, hai chục năm, là thời điểm đỉnh cao của nghề xiếc, có người đi diễn 1 ngày xong còn mua được cả chỉ vàng mang về. Hồi ấy khán giả đi xem xiếc đông vui như hội. Nhưng đó chỉ còn là dĩ vãng mà thôi", một diễn viên ở hậu trường chia sẻ đầy tiếc nuối.
Ngồi yên hay tự đứng dậy?
Không chỉ riêng sân khấu xiếc, rất nhiều sân khấu khác cũng tự đặt ra câu hỏi như vậy trước những diễn biến của dịch bệnh. Thay vì ngồi yên đợi các chính sách hỗ trợ, sân khấu xiếc cũng đang tìm cách giải bài toán khó này.
Theo NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thời gian vừa qua, Rạp xiếc Trung ương cũng đã xây dựng các chương trình kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật và cho mượn sân khấu xiếc để làm lễ tổng kết cuối năm cho các trường học.
Thế nhưng, hướng đi này chỉ mang tính mùa vụ và khó có thể bền chắc. Là đạo diễn, ông cũng luôn trăn trở tìm cách sáng tạo ra các tiết mục chương trình để thu hút khán giả quay lại với xiếc. Ngày 27/7 vừa qua, chương trình "Đi cùng năm tháng" mùa thứ 3 đã diễn ra cũng đã ghi được dấu ấn trong lòng khán giả.
Chương trình "Đi cùng năm tháng" mùa 3
Nghề xiếc vốn đã khó khăn và gian nan vì phải hi sinh nhiều thứ nay vì dịch bệnh mà sự vất vả lại càng nhân đôi. Bởi thế, nhiều nghệ sĩ do không thể trụ được với nghề đành dứt áo ra đi trong sự tiếc nuối của đồng nghiệp.
Yêu nghề là một chuyện nhưng để sống được với nghề lại còn phụ thuộc vào nhiều việc khác. Trong số những người ở lại, nhiều diễn viên trẻ tìm cách tự trang trải cuộc sống của mình bằng những việc làm thêm như bán hàng online… Với những bạn trẻ mới ra trường, Ban lãnh đạo của Liên đoàn Xiếc cũng hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện tối đa để các bạn tham gia những buổi biểu diễn, dù chỉ là ở chị trí kéo rèm hay chiếu đèn… để có thù lao, dù ít ỏi.
Không ngừng tập luyện và tin: Tình yêu sẽ chiến thắng tất cả!
Có tận mắt chứng kiến những buổi tập của các nghệ sĩ xiếc mới thấy rằng nghề xiếc vất vả như thế nào. Là công việc đòi hỏi sự rèn luyện về cơ bắp và không thể làm giả được, bởi thế tất cả các động tác đều dù tập luyện cũng cần tập trung trí lực cao. Để tập luyện được 1 tiết mục khó, nghệ sĩ có thể mất đến vài năm mới thành công.
Tập luyện tiết mục đu dây mạo hiểm
Những nghệ sĩ xiếc vừa tập luyện vừa chăm con
Hai vợ chồng chị 2 vợ chồng chị Dương đều là diễn viên xiếc, ông bà lại ở xa, bởi thế, con chị từ 5-6 tháng đã quen với việc theo bố mẹ đi làm. Cái nóng của sàn tập khiến em bé thi thoảng lại khóc mếu, thế nhưng có lẽ là con của những diễn viên xiếc, con cũng cần được thích nghi với công việc của cha mẹ. Rất nhiều em nhỏ khác vì hoàn cảnh gia đình cũng theo bố mẹ đi làm mà được coi như những người con chung của đoàn xiếc. Dù có khó khăn, nhưng họ sẽ đùm bọc cùng nhau vượt qua.
Những sân khấu xiếc sẽ sớm sáng đèn và họ vẫn đợi khán giả,…
Những ngày này, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và 1 số tỉnh trong đó, Hà Nội cũng đã ghi nhận có ca mắc mới, một lần nữa những show diễn xiếc phải tạm ngừng. Cùng với đó, cả chương trình lưu diễn các tỉnh miền Trung đã được lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo cũng phải hoãn lại vì dịch. Thiệt hại là vô kể.
Thế nhưng, thay vì than vãn hay thở dài, những nghệ sĩ vẫn bắt tay cùng nhau tập luyện. Khoảng 14 ngày nữa, hay có thể là lâu hơn, miễn là dịch bệnh có thể được kiểm soát, những sân khấu xiếc sẽ lại sáng đèn và họ vẫn đợi khán giả,…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!