Kỳ nghỉ Tết dài vừa qua, nhiều người chọn đi du lịch, hay đi tới các rạp phim, các công viên giải trí để có thể vui chơi ngày đầu năm. Nếu như các năm trước, các sân khấu nghệ thuật truyền thống dịp này phải giảm suất diễn hoặc thậm chí đóng cửa vì không cạnh tranh được với các điểm vui chơi thì năm nay đã có những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Khán giả nô nức tới rạp, nhiều sân khấu sáng đèn từ sáng tới đêm, các suất diễn đều được lấp đầy. Sân khấu nghệ thuật sôi động, báo hiệu một sự khởi sắc mới cho năm 2023 sau 3 năm dịch bệnh. Ở thành phố Hồ Chí Minh, sự phong phú về đề tài, đa dạng về thể loại, các vở kịch mới được đầu tư chăm chút về trang phục, cảnh trí, soạn nhạc riêng, đây chính là điều khác biệt, giúp các sàn diễn tại địa phương này thu hút rất đông khán giả tới xem.
Tại miền Bắc, chỉ có sân khấu múa rối nước là sôi động cả Tết. Trong không khí Xuân, khán giả đến với những vở diễn múa rối nước là để tìm về với những giá trị truyền thống. Những vở diễn tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc hay sinh hoạt văn hóa của làng quê Bắc Bộ luôn thu hút rất đông người xem, đặc biệt là các bạn trẻ.
"Chính sự đón nhận, cổ vũ ủng hộ đó làm cho các nghệ sĩ cảm thấy hưng phấn hơn. Điều quan trọng là họ cảm thấy rằng là sự cống hiến của họ vẫn đang tiếp tục đồng hành với đời sống tinh thần của xã hội", NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam - chia sẻ.
Sân khấu sáng đèn trở lại trong những ngày đầu năm là tin vui cho những người làm nghệ thuật. NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: "Những vở diễn vừa chất lượng vừa có nhiều điểm mới, mang hơi thở của ngày hôm nay. Đó là dấu hiệu mà tôi cho rằng năm 2023 chúng ta sẽ có nhiều vở diễn đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày hôm nay".
Mỗi nơi một thế mạnh, một màu sắc riêng đã đem lại hy vọng cho một năm mới đầy khởi sắc của sân khấu nghệ thuật truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!