Sống lại những cảm xúc cùng dòng phim Cách mạng

Ngọc Diệp (Thể thao & Văn hóa)-Thứ ba, ngày 21/04/2015 16:16 GMT+7

VTV.vn - Nhân kỉ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có một đợt phim Cách mạng kéo dài từ ngày 20/4 đến 20/5 tại 4 tỉnh thành trong cả nước...

Đây chính là một cơ hội để khán giả sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, trải nghiệm những cảm xúc mà chỉ dòng phim Cách mạng mới có thể đem lại.

Buổi chiếu khai mạc vào tối 20/4 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia giới thiệu tới khán giả tập 4 của bộ phim tài liệu 4 tập Đỉnh cao chiến thắng. Tập 4 nói về chiến dịch Điện Biên Phủ chiến không vào cuối tháng 12 năm 1972, đem đến cho khán giả một cái nhìn khái quát về trận chiến 12 ngày đêm, về cách người Việt đã tìm ra chiến thuật để hạ gục những "pháo đài bay" B52 được cho là bất khả chiến bại của không quân Mỹ. Đây là một bộ phim tài liệu được làm phong cách phim tài liệu có kịch bản truyền thống nhưng vẫn không kém phần hấp dẫn.

Bộ phim điện ảnh mới nhất của dòng phim Nhà nước: Đường xuyên rừng.

Bộ phim điện ảnh mới nhất của dòng phim Nhà nước: "Đường xuyên rừng".

Đợt phim này sẽ giới thiệu những 3 phim điện ảnh mới sản xuất: Đường xuyên rừng, Những đứa con của làng, Thầu Chín ở Xiêm.

Trong đó Đường xuyên rừng là tác phẩm mới nhất do Hãng phim Giải phóng sản xuất, dựa theo tác phẩm cùng tên của của nhà văn Lê Văn Thảo, đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2012).

Đường xuyên rừng là một chuyến đi đầy quả cảm của một nhóm người gồm anh bộ đội Vinh, nhóm bộ đội thông tin, một cô văn công, một cặp vợ chồng và một nhà văn... Giữa đói khát, bệnh tật, bom đạn, những trận oanh tạc khủng khiếp bẳng máy bay trực thăng trong chiến dịch Junction City của quân đội Mỹ họ vẫn sát cánh bên nhau, băng rừng quyết hoàn thành nhiệm vụ. Đường xuyên rừng cho thấy một câu chuyện rất khác, trong vô vàn câu chuyện về chiến tranh rất hấp dẫn ở Việt Nam.

Những đứa con của làng là một câu chuyện chân thật khác về cuộc sống sau chiến tranh của người dân Quảng Trị, về lòng thù hận, về sự hóa giải... Đã lâu rồi mới có một bộ phim nói tiếng địa phương, một bộ phim về miền Trung thay vì hai vùng Nam, Bắc đã quen thuộc trên phim.

Thầu Chín ở Xiêm kể lại giai đoạn Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan, thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã rất thành công khi chọn được diễn viên Nguyễn Mạnh Trường vào vai Bác Hồ, thoát khỏi những rập khuôn mà điện ảnh và sân khấu từng thể hiện.

Diễn viên Nguyễn Mạnh Trường thủ vai Nguyễn Ái Quốc trong phim Thầu Chín ở Xiêm.

Diễn viên Nguyễn Mạnh Trường thủ vai Nguyễn Ái Quốc trong phim "Thầu Chín ở Xiêm".

Những bộ phim được nhà nước đầu tư này, dù chưa thực sự xuất sắc về mặt nghệ thuật, một số phim có thủ pháp hơi cũ, nhưng ở một khía cạnh nào đó vẫn thấy sự tiến bộ về công nghệ, về kĩ xảo của dòng phim nhà nước. Ngoài ra, không thể phủ nhận những nỗ lực của các nhà làm phim khi muốn đem lại cho khán giả những xúc cảm tốt đẹp, khơi dậy trong họ niềm tự hào lịch sử.

Đợt phim sẽ kéo dài từ 20/4/2015 đến 20/5/2015. Vé được phát miễn phí tại các thành phố:

- Hà Nội: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, Hà Nội.

- Đăk Lăk: Rạp Hưng Đạo, Thành phố Buôn Mê Thuột.

- Thành phố Hồ Chí Minh: Rạp CineBox, 212 Lý Chính Thắng, Phường 9, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Nghệ An: Trung tâm Điện ảnh Đa chức năng (Công ty cổ phần Điện ảnh 12 - 9) số 22 Quang Trung, thành phố Vinh, Nghệ An.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước