Việt Nam có kho tàng di sản phong phú. Không chỉ phản ánh bề dày lịch sử văn hóa, hệ thống di sản giàu có của Việt Nam còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội, tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Thế nhưng, do nhiều yếu tố tác động, một phần các di sản, di tích đã có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Có những di sản tưởng như đã biến mất do những thay đổi của cuộc sống, nhưng nay đã được khôi phục lại nhờ những người trẻ. Câu chuyện bộ tranh được đánh giá là tài liệu quý giá về trang phục dưới thời nhà Nguyễn, do chính họa sĩ Việt Nam vẽ là một điển hình cho điều đó. Bộ tranh được thực hiện vào năm 1902, dưới chiều vua Thành Thái nhưng sau đó bị lưu lạc tới nhiều nơi trên thế giới. Ít ai ngờ tới có ngày bộ tranh được quay trở lại Việt Nam nhờ nỗ lực của một nhà nghiên cứu, giảng viên trẻ của ngành thiết kế thời trang Trần Minh Nhựt.
Những người trẻ am hiểu công nghệ, có kiến thức và tình yêu với di sản văn hóa đang dần xích lại gần nhau, để chung tay bảo tồn các di sản. Đình Tiền Lệ được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, vốn xuống cấp trầm trọng nhưng nay đã trở thành một trong những di tích lớn đầu tiên được lưu giữ bằng công nghệ số hóa. Hay chiếc hương án thời Hậu Lê đã bị lửa thiêu rụi hoàn toàn nhưng bằng công nghệ bảo tồn trong không gian số, hoặc cũng có thể nhắc tới những di sản công nghiệp của Hà Nội vốn bị bỏ quên nhiều năm nay đã thức giấc trong Tuần lễ Sáng tạo Hà Nội… Tất cả đều ghi dấu ấn của người trẻ. Thế hệ trẻ ngày nay được trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ, là lực lượng đã và đang giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Việc chuyên nghiệp hóa trong đào tạo bảo tồn di sản kết hợp với công nghiệp văn hóa cũng là xu hướng phát triển tại Việt Nam. Mới đây, một sự kiện nghệ thuật liên ngành độc đáo lần đầu tiên được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội, thể hiện xu thế kết nối giữa truyền thống đào tạo nghệ thuật của trường Mỹ thuật Đông Dương với giáo dục công nghiệp văn hóa và nghệ thuật trong xu thế toàn cầu.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa và cũng mở ra nhiều cơ hội nếu biết tận dụng sức mạnh của công nghệ. Dưới sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, những giá trị truyền thống sẽ được lan tỏa rộng khắp. Đó là sứ mệnh, trách nhiệm của người trẻ và cũng là bài toán đặt ra cho những người có thẩm quyền về việc hoàn thiện chính sách, có cơ chế ưu tiên thu hút người trẻ đóng góp vào công cuộc chấn hưng văn hóa, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!