Sự thật phía sau cây đàn guitar của Brian May

Hà Linh (Theo Hackaday)-Thứ sáu, ngày 16/11/2018 06:00 GMT+7

(Ảnh: Essr)

VTV.vn - Hiếm ai biết rằng chiếc guitar của thành viên ban nhạc rock huyền thoại Queen lại là một cây đàn tự chế.

Những người đam mê âm nhạc nói chung và nhạc rock nói riêng chắc chắn không thể không biết đến ban nhạc rock huyền thoại Queen. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng nghệ sĩ chơi đàn của nhóm – Brian May – đã tự tay làm những chiếc guitar cho riêng mình. Một trong số những cây đàn nổi tiếng nhất và gắn bó với ông trong suốt sự nghiệp âm nhạc chính là chiếc Red Special.

Có thể nói, những nghệ sĩ chơi guitar luôn có sự kết nối đặc biệt với cây đàn của họ, tuy nhiên, không ai gắn bó với nhạc cụ của mình như Brian May và chiếc Red Special. Không chỉ gắn bó với ông trong những chuyến lưu diễn, Red Special còn đặc biệt hơn cả bởi nó được làm từ chính đôi bàn tay của ông cùng người bố của mình, Harold May.

Sự thật phía sau cây đàn guitar của Brian May - Ảnh 1.

Brian May cùng chiếc guitar huyền thoại và Freddie Mercury. (Ảnh: brianmay)

Vào những năm 1960, giá của một chiếc guitar điện không hề rẻ, trong khi đó, gia đình Brian May lại không có đủ điều kiện kinh tế để mua cho ông một cây đàn. Vì vậy, bố của tay guitar huyền thoại này đã quyết định làm tặng riêng cho ông một chiếc guitar đặc biệt. Đồng thời, Brian May cũng đã giúp bố của mình hoàn thành cây đàn. Với niềm đam mê vật lý, ông đã trở thành một trợ thủ đắc lực của bố khi cùng thiết kế mẫu đàn guitar độc đáo này. Khi đó, Brian May mới chỉ 16 tuổi.

Sự thật phía sau cây đàn guitar của Brian May - Ảnh 2.

Brian May thời trai trẻ bên chiếc guitar tự chế. (Ảnh: Astronomy)

Thực tế, đây không phải một ý tưởng điên rồ. Vốn là một kĩ sư điện, Harold May đã từng chế tạo TV, đài radio và toàn bộ thiết bị trong nhà của mình. Để tiết kiệm chi phí, ông Harold đã chế tạo cây đàn với nguyên liệu chính là tấm gỗ của lò sưởi. Sau 2 năm, cây đàn cuối cùng cũng đã được hoàn thành. Cái tên Red Special được Brian May đặt theo chính màu sơn đỏ đặc trưng của nó.

Rất nhiều người sau đó đã khẳng định, Brian May và bố của ông cần được cấp bằng sáng chế cho thiết kế đột phá này, tuy nhiên, Brian May cảm thấy điều này là không cần thiết. "So với việc được cấp bằng sáng chế thì tôi thích được chia sẻ cách làm cây đàn với cả thế giới hơn", Brian May khẳng định.

Sự thật phía sau cây đàn guitar của Brian May - Ảnh 3.

Sau hàng chục năm, Brian May vẫn tiếp tục sử dụng chiếc guitar tự chế đầu tiên của mình. (Ảnh: brianmay)

Sau khi chiếc guitar được hoàn thành, Brian May đã sử dụng nó khi trình diễn với 2 ban nhạc cũ của ông, đó là 1984 và Smile. Tuy nhiên, chỉ đến khi Queen được thành lập, chiếc guitar Red Special mới thực sự trở thành biểu tượng gắn liền với Brian May. Mặc dù ông đã thử chơi một vài cây đàn khác nhưng Red Special vẫn luôn là người bạn đồng hành đặc biệt được ông sử dụng trong khi thu âm và trong mọi chuyến lưu diễn của Queen. Cây đàn còn đặc biệt với ông đến mức, vào năm 1988, ông đã đặt tên cho album solo của mình là "Red Special".

Trước đó, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ về chất lượng của cây đàn này khi cho rằng, một nhạc cụ tự chế chắc chắn sẽ có tuổi thọ ngắn. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh Red Special được chế tạo vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận. Thậm chí, sau 40 năm, cây đàn huyền thoại này vẫn chưa bao giờ bị hư hỏng nặng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước