Sự thật về ngôi đền thờ Thần thuốc phiện

Lê Quân-Thứ ba, ngày 07/07/2015 10:33 GMT+7

VTV.vn - Chân bị trẹo khớp, nhưng anh Cánh vẫn cố nhịn đau đưa chúng tôi ngược con dốc đứng để đến đền Thượng, một trong hai ngôi đền hiếm hoi trên địa bàn Hoàng Su Phì, Hà Giang.

“Đền không thờ thần thuốc phiện đâu, không phải đâu” – vừa hổn hển thở, người trưởng thôn Suối Thầu 1 (xã Bản Luốc) vừa phân bua với khách.

Theo trưởng thôn Đặng Hồng Cánh, từ mấy trăm năm trước, có một nhóm hộ gia đình dân tộc Dao áo dài (còn gọi là Dao Tiểu bản) đến đất này ra sức khẩn hoang vỡ ruộng, lập làng bản. Khi ấy, rừng núi hoang vu, dã thú hoành hành, nên những người dân mở đất gặp nhiều khó khăn. Biết chuyện, vị quan trấn thủ địa phương lúc đó là ông Đặng Minh Đông đã giúp đỡ họ rất nhiều để ổn định cuộc sống, đặc biệt là cách làm ruộng bậc thang, ruộng nước, cách dẫn nước về ruộng...

Đồng thời, ông cũng xuất tiền để tìm thầy cúng, nghệ nhân, thợ để xây dựng một ngôi đền, mong thần linh che chở cho người dân được an cư lạc nghiệp. Việc chưa xong thì ông được điều chuyển đến nơi khác, nhưng vẫn quan tâm và đều đặn gửi tiền công xá về cho bà con lo toan. Sau này, khi ông mất đi, người dân lập thêm bức tượng của ông trên ban thờ để tưởng nhớ, là pho tượng thứ 14 trong ngôi đền.

Thượng lương đền Bản Luốc ghi rõ năm khởi tạo ngôi đền.

Thượng lương đền Bản Luốc ghi rõ năm khởi tạo ngôi đền.

Tọa lạc trên sườn ngọn đồi đất nhìn ra bạt ngàn rộng bậc thang tuyệt đẹp hàng đầu cả nước, đền Suối Thầu có vẻ khiêm nhường, giản dị nhưng vẫn rất trầm mặc uy nghiêm. Đó là một ngôi nhà trình tường cũ dày chừng hai gang tay, biệt lập trên một quả đồi, kiến trúc hình chữ nhất, rộng khoảng 47m2, có bậc tam cấp đi lên và khung gỗ ngang cửa. Ngôi đền trải nhiều sương gió thời gian nên khá nhiều rêu phong, mới được tu sửa nên không còn giữ được đường nét kiến trúc cũ như phía trước thoáng có khung gỗ, lợp mái tranh... Bỏ giày dép bên ngoài, chúng tôi theo chân ông thủ từ Đặng Văn Y vào đền, thắp hương lên ban thờ có 14 pho tượng. Những pho ở đây thật độc đáo, được nặn bằng đất sét rất sinh động, rồi sơn phết màu sơn đẹp đẽ.

Anh Cánh lần lượt giới thiệu với khách những pho tượng trên bệ thờ. Pho tượng cao nhất đặt chính giữa là Ngọc Hoàng (người Dao gọi là Nhùi Vương), hai bên có 12 thần linh khác, và tượng thần nhân Đặng Minh Đông đặt ngoài cùng theo hướng tay phải của Ngọc Hoàng. Tượng Ngọc Hoàng lớn nhất, cao khoảng 1m, đầu đội mũ bình thiên, ngồi uy nghi ở giữa. Tiếp đến là các tượng nhỏ hơn. Có pho tượng mặt đỏ, có pho mặt đen, có tượng đàn ông, đàn bà, mặc áo quần nhiều màu sắc sặc sỡ.

Cụm tượng thần Sấm bị hiểu nhầm là tượng thờ thần Thuốc phiện.

Cụm tượng thần Sấm bị hiểu nhầm là tượng thờ thần Thuốc phiện.

Pho tượng mà các du khách chú ý nhất chính là một pho tượng cao 65cm, mặt mày nghiêm nghị, mặc giáp trụ ra dáng một võ tướng. Lâu nay pho tượng này vẫn được báo chí nhắc đến như thần chủ của ngôi đền với tên gọi nôm na là vị thần Thuốc phiện. Anh Cánh lắc đầu quầy quậy: “Đó là tượng thờ thần Sấm, một vị thần quan trọng của cư dân nông nghiệp xưa. Cụm tượng này là bộ hạ của tượng Ngọc Hoàng, nên không đại diện cho ngôi đền được. Cụm tượng này có ba pho, một người cao lớn dữ dằn ngồi trên là Lôi Thần (thần Sấm), còn hai pho tượng bé hơn là cận thần, một văn một võ đứng hầu ở dưới. Một trong hai vị cận thần này bị ngộ nhận là thần Thuốc phiện vì tay phải ông cầm cây chùy cán dài. Quả chùy tròn có khía, thoạt nhìn như hình quả thuốc phiện, thực ra không phải vậy. Cây chùy (hay thiền trượng) được làm rất chân thực, màu đỏ, rất to, có cán tròn và dài, nhưng dù giỏi tưởng tượng đến đâu cũng không thể gọi đó là quả thuốc phiện được”.

Trên ban thờ có một pho tượng rất đặc biệt, đặt phía tay trái Ngọc Hoàng, bên cạnh tượng Diêm Vương và Quan Âm bồ tát. Đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn, đội khăn đỏ, tai to, mắt nhìn xuống, bộ ngực trần với hai bầu vú tròn căng lộ hẳn ra ngoài áo. Trong lòng người phụ nữ ôm một đứa trẻ trần truồng, miệng ngậm vú, bàn tay sờ vú còn lại. Dưới chân, có một đứa trẻ lớn hơn đang đùa nghịch, hai tay ôm bám lấy chân mẹ. Các đền chùa ở nước ta, ban thờ thường được coi là nơi linh thiêng, quả thật hiếm thấy có hình ảnh đời thực sống động như thế này.

Anh Trần Chí Nhân, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: “Đó là tượng Bà Mụ theo quan niệm của người Dao, gọi là Nhiều Goắng. Giống như các dân tộc khác, người Dao áo dài Hoàng Su Phì đặc biệt coi trọng việc sinh nở cũng như các lễ thức liên quan đến vòng đời con người. Nếu như các gia đình trưởng họ không có con nối dõi thì buộc phải đổi họ để có người thờ tự tổ tiên. Tuy nhiên người Dao lại không quá coi trọng là con trai hay gái vì nếu chỉ sinh con gái thì có thể lấy rể về thay con trai. Khi đó, người con trai phải đổi họ sang họ bố vợ và được gia tộc bên vợ coi như con trai mà không có sự phân biệt đối xử nào. Khi cặp vợ chồng nào đó hiếm muộn con cái họ thường tổ chức lễ cầu tự, cầu cúng thần linh và vị Nhiều Goắng này”.

Bức tượng độc đáo, mẹ cho con bú, trên ban thờ đền Bản Luốc.

Bức tượng độc đáo, mẹ cho con bú, trên ban thờ đền Bản Luốc.

Thật trùng hợp, đêm ấy, tại nhà sàn của trưởng thôn Đặng Hồng Cánh, chúng tôi được xem tiết mục văn nghệ dân gian, với bài múa “Cầu tự”. Người diễn xướng đeo chiếc mặt nạ làm bằng gỗ bôi đen với ngụ ý mô tả sự tủi nhục vì không có con, phải chịu xấu hổ để đi xin. Trên tay, họ cầm chiếc khăn được gấp cuộn thành hình trụ thuôn nhọn tượng trưng cho cơ quan sinh dục nam, ngụ ý rằng mình cũng là một người phát triển bình thường, việc không có con là do trời định. Rồi họ vừa múa bằng những động tác mô tả quan hệ tính dục vừa khoe chiếc linga bằng khăn đỏ trước mặt mọi người, nhất là khoe trước mặt các chị em phụ nữ. Lúc này, thầy cúng cầu xin trời đất và Bà Mụ ban cho gia chủ một đứa con để nối dõi thờ tự. Đây là một trong số ít điệu múa dân gian của đồng bào Dao được thể hiện độc đáo trên nền âm nhạc, mang đậm tính nhân bản, phồn thực.

Căn cứ vào những dòng chữ Nho ghi trên xà nóc, ngôi đền Bản Luốc được xây dựng vào năm 1822, triều vua Minh Mạng, tức là đã gần tròn hai thế kỷ. Những người già còn nhớ, ngôi đền xưa kia tường thưng bằng gỗ, có các hàng chân cột, vì, xà làm bằng gỗ, mái lợp gianh. Theo thời gian, ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần, gần nhất là vào năm 2006, trên nền đất cũ. Có những giá trị văn hóa nhân văn còn ẩn chứa bên trong ngôi đền nhỏ ấy, còn chưa được khám phá hết.

“Nhưng đền Bản Luốc chính xác là nơi thờ thần linh của người Dao, được người dân tin tưởng, kính ngưỡng. Tuyệt đối không phải nơi thờ thần Thuốc phiện” – trưởng thôn Đặng Hồng Cánh quả quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Từ khóa:

Hoàng Su Phì

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước