Bộ sưu tập mới nhất được nghệ nhân Bùi Văn Tựu giới thiệu tới công chúng là câu chuyện về 14 danh nhân đất Việt thông qua điêu khắc ánh sáng. Điêu khắc ánh sáng là bộ môn nghệ thuật kết hợp giữa điêu khắc và ánh sáng để từ đó tạo ra hình ảnh độc đáo từ phần bóng của vật thể.
Sứ mệnh của loại hình nghệ thuật này là kể những câu chuyện về văn hóa, về đời sống thông qua chiếc bóng. Đây là loại hình nghệ thuật xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nghệ sĩ Việt Nam đã sáng tạo trên vốn văn hóa của dân tộc như nghệ thuật khắc gỗ, chất liệu gốm để kể câu chuyện văn hóa lịch sử theo cách mới mẻ. Đây chỉ là một trong nhiều cách mà người trẻ đang làm để gìn giữ và phát huy di sản trong thế kỷ XXI.
Trong những ngày này, Hà Nội đang rất sôi động với chuỗi hoạt động văn hóa nhân Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 và kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, thu hút đông đảo công chúng đến thăm qua và trải nghiệm. Nó cho thấy khi di sản được khai thác đúng cách sẽ tạo ra sức hút cho cộng đồng. Xu hướng tìm đến các di tích, bảo tàng để tìm hiểu các di sản văn hóa đang được dấy lên mạnh mẽ trong giới trẻ.
Biến di sản thành tài sản, mục tiêu này không thể đạt được trong một sớm một chiều. Thế nhưng, với sự tham gia ngày càng tích cực của các nghệ sĩ trẻ vào việc khai thác những giá trị di sản văn hóa, cộng với sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng, đó chính là cơ sở quan trọng để di sản có cơ hội được phục hồi và phát triển một cách bền vững. Sau đây, vẫn cần một lộ trình dài với các chính sách, giải pháp bài bản, vừa mang tính tổng thể quốc gia vừa mang tính độc đáo, sáng tạo của mỗi địa phương. Từ đây, những cú hích sẽ xuất hiện, làm bừng lên sức sống mới cho các di sản Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!