Trước sự nở rộ của các chương trình ca nhạc, với chất lượng nội quy mô ngày càng được nâng cao, mỗi nhà sản xuất, nghệ sĩ cũng đặt ra những thử thách cho chính mình, làm sao một đêm nhạc không chỉ dừng lại ở việc mang đến cho công chúng những trả nghiệm về giai điệu mà còn thỏa mãn nhu cầu về chuyên môn, thẩm mỹ, giải trí và công nghệ biểu diễn. Trong bối cảnh công chúng ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với các chương trình đẳng cấp lớn, các chương trình trong nước cũng cần nâng tầm, sáng tạo để tiệm cận với nhu cầu của khán giả hiện nay.
Sự đa dạng trong các liveshow âm nhạc cũng màn đến cho công chúng quyền được lựa chọn chương trình nào, nghệ sĩ nào phù hợp, đáp ứng được mong muốn của họ về chất lượng dàn dựng, tổ chức. Đối với các chương trình truyền hình, điều đó cũng tương tự. Gần đây, khán giả đã chứng kiến sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế về ca nhạc như Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Anh trai vượt ngàn chông gai… đã cho thấy những bứt phá rõ rệt, biến mỗi số phát sóng trở thành một liveshow trên truyền hình, hội tụ đầy đủ các yếu tố từ sản xuất âm nhạc, biểu diễn, ứng dụng công nghệ hay sáng tạo nội dung. Việc đầu tư nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình cũng là cơ hội để nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ nỗ lực làm mới chính mình, tìm tòi sáng tạo hướng đến sự chuyên nghiệp và có tính chuyên môn cao.
“Đối với e-kip sản xuất chương trình, họ đã cập nhật xu hướng mới nhất để mang đến giá trị về thẩm mỹ, chất lượng bản phối âm nhạc. Còn nghệ sĩ cũng đầu tư hơn về trang phục hay vũ đạo. Điều đó không chỉ đưa ra thẩm mỹ cao hơn mà còn đặt ra nhu cầu phải phát triển nhiều hơn nữa”, đạo diễn Long Kan chia sẻ.
Các liveshow, chương trình truyền hình về âm nhạc khi được đầu tư chuyên nghiệp còn là bệ phóng tài năng của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trẻ, giúp làm nóng lại những tên tuổi đã thành danh qua năm tháng. Từ đó, thẩm mỹ công chúng được nâng lên, giá trị sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, ca sĩ cũng được công nhận xứng đáng bằng những đêm nhạc tiền tỷ, thu hút đông đảo của người hâm mộ.
“Nếu chúng ta nói nó chưa chuyên nghiệp khi so sánh với âm nhạc của Mỹ hay Hàn Quốc thì rõ ràng, nó không thể bằng được. Nhưng nếu chúng ta so sánh với chính mình của một năm trước thì chúng ta đã tiến bộ rồi” - nhạc sĩ Hoài Sa cho biết - “Trong nền công nghiệp biểu diễn hiện giờ, khán giả bỏ tiền đi mua vé xem mấy triệu xem những show trình diễn như vậy. Khi họ xem show truyền hình thì đã có chuẩn rồi. Các nhà tổ chức cũng hiểu khán giả đã tiếp cận được rồi, họ sẵn sàng mua vé ra nước ngoài xem show quá đơn giản nên bản thân nhà tổ chức phải nâng cấp lên. Đồng thời, một điều thuận lơợi là khán giả cũng hiểu rằng khi ăn món ngon thì cần bỏ ra nhiều tiền hơn, muốn xem show hay thì ở Việt Nam cũng có những show diễn như vậy. Nhìn ở mặt tích cực, điều đó rất là lạc quan”.
Nhiều tiết mục ấn tượng trong các gameshow truyền hình đã trở thành video ca nhạc thu hút hàng triệu lượt tương tác, chia sẻ trên nền tảng mạng xã hôị. Nhiều liveshow trở thành hiện tượng cháy vé là tín hiệu đáng mừng của thị trường giải trí Việt. Sự thành công này không chỉ phản ánh nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày nay của công chúng mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển, nâng cao chất lượng cho ngành công nghiệp giải trí và nghệ thuật Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!