“Tình sử Thăng Long” - điểm sáng trong mùa kịch Tết “trăm hoa đua nở”

Hoàng Hường-Thứ sáu, ngày 16/02/2024 10:36 GMT+7

Vở diễn Tình sử Thăng Long (Ảnh: Lê Thúy Bình)

VTV.vn - Tết Giáp Thìn, sân khấu TP Hồ Chí Minh liên tục sáng đèn, trong đó "Tình sử Thăng Long" là một trong những vở diễn được chờ đợi, ra mắt khán giả ngày mùng 6 và 7.

Cảm tác từ kịch Ngọc Hân Công chúa của cố tác giả Lưu Quang Vũ, Tình sử Thăng Long được xây dựng với kỳ vọng tạo nên vở nhạc kịch sử ca hùng tráng về sự nghiệp của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Vở kịch ra mắt nhân cao điểm hướng tới kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, mang đến góc nhìn mới mẻ về mối tình giữa Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân, đồng thời một lần nữa đưa "hào khí Tây Sơn" lên sân khấu.

Ngay từ khi mới hé lộ các thông tin đầu tiên, Tình sử Thăng Long đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng với tạo hình, trang phục được đầu tư rất công phu, mang đến niềm tự hào cho chính các nghệ sĩ trình diễn. Âm nhạc, màn võ thuật, các pha cận chiến cũng là điểm nhấn nổi bật ở Tình sử Thăng Long, giúp cho vở diễn toát lên chất "đầu tư tới nơi tới chốn".

Sau đêm công diễn đầu tiên ngày mùng 6 Tết Giáp Thìn, Tình sử Thăng Long mang về nhiều phản hồi tích cực. Vai diễn trung tâm – Nguyễn Huệ - được NSƯT Kim Tử Long diễn đầy uy lực, giữ được sức hút xuyên suốt hơn 3 tiếng thời lượng vở kịch. Công chúa Ngọc Hân qua phần thể hiện của nghệ sĩ trẻ Hoàng Yến tạo được thiện cảm với vẻ đẹp dịu dàng, mong manh nhưng toát lên khí chất "nữ cường". Hai nghệ sĩ thuộc hai thế hệ tương tác ăn ý để tái hiện câu chuyện tình nổi tiếng trong lịch sử.

Tình sử Thăng Long khéo léo đưa khán giả theo từng cung bậc cảm xúc của Công chúa Ngọc Hân. Từ sự miễn cưỡng ban đầu khi kết hôn vì mục đích chính trị với không ít định kiến dành cho nghĩa quân Tây Sơn, Công chúa Ngọc Hân dần cảm mến, bị chinh phục bởi khí phách, tinh thần trượng nghĩa, tầm nhìn xa trông rộng của Nguyễn Huệ, để rồi cùng sát cánh vượt qua gian nan, thử thách.

“Tình sử Thăng Long” - điểm sáng trong mùa kịch Tết “trăm hoa đua nở” - Ảnh 1.

NSƯT Kim Tử Long vào vai Nguyễn Huệ và Hoàng Yến vai Công chúa Ngọc Hân trong vở Tình sử Thăng Long (Ảnh: Lê Thúy Bình)

Với cách dàn dựng mới mẻ, Tình sử Thăng Long có cách thể hiện hình tượng Nguyễn Huệ thuyết phục, ấn tượng về tài, trí, dũng qua nhiều nút thắt khá bất ngờ. NSƯT Trinh Trinh thì thể hiện trọn vẹn khía cạnh cảm xúc của một người mẹ đằng sau sự oai nghiêm, đầy dũng khí của nữ tướng Bùi Thị Xuân.

“Tình sử Thăng Long” - điểm sáng trong mùa kịch Tết “trăm hoa đua nở” - Ảnh 2.

NSƯT Trinh Trinh vai nữ tướng Bùi Thị Xuân (Ảnh: Lê Thúy Bình)

Bên cạnh nhiều điểm sáng ấn tượng, đêm diễn đầu tiên của Tình sử Thăng Long vào mùng 6 Tết Giáp Thìn cũng để lại một số nuối tiếc cho khán giả. Theo thông tin từ ekip thực hiện Tình sử Thăng Long được nhạc sĩ Chí Tâm phụ trách về phần sáng tác và hoà âm cho 8 ca khúc trong vở diễn, với tinh thần "người trẻ kể câu chuyện lịch sử". Qua đó hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những giây phút thoả lòng với các ca khúc bắt tai, mang âm hưởng hùng tráng, trữ tình về hành trình dẹp loạn dựng triều của vị anh hùng Nguyễn Huệ.

Thực tế, phần ca ở Tình sử Thăng Long còn hạn chế, chưa đủ tạo ấn tượng cho khán giả, chưa góp phần làm cho vở diễn thăng hoa về cảm xúc. Trong khi NSƯT Kim Tử Long xuất hiện gần như xuyên suốt vở kịch thì NSND Hồng Vân hay Hoàng Sơn xuất hiện rất ít, khiến người hâm mộ chưa thực sự thỏa mãn.

“Tình sử Thăng Long” - điểm sáng trong mùa kịch Tết “trăm hoa đua nở” - Ảnh 3.

NSND Hồng Vân vai bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền (Ảnh: Lê Thúy Bình)

Một số khán giả thưởng thức đêm diễn đầu tiên cũng cho rằng, việc chuyển thoại sang giọng Bắc cho phù hợp với bối cảnh khiến một số diễn viên còn chưa thực sự tự nhiên. Mặc dù vậy Tình sử Thăng Long vẫn xứng đáng là điểm sáng của sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh ở mùa "trăm hoa đua nở" dịp Tết Giáp Thìn.

NSND Hồng Vân “lột xác” cùng Nhạc kịch sử Việt 'Tình sử Thăng Long' NSND Hồng Vân “lột xác” cùng Nhạc kịch sử Việt "Tình sử Thăng Long" Lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024)  Ghi nhớ một thời kỳ lừng lẫy của dân tộc Lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024) Ghi nhớ một thời kỳ lừng lẫy của dân tộc THTT chương trình nghệ thuật kỷ niệm 235 năm “Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa” THTT chương trình nghệ thuật kỷ niệm 235 năm “Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa”

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước