Trong cuộc sống hôm nay, ở đâu đó có lúc ta nghe những chuyện không hay về ứng xử, đạo đức thầy - trò. Nhưng chắc chắn đó chỉ là một vài chấm đen trong tổng thể bức tranh đầy nỗ lực của ngành giáo dục. Hàng vạn thầy cô giáo ngày đêm không quản ngại khó khăn, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Và tôn sư trọng đạo vẫn là truyền thống luôn được người Việt gìn giữ.
“Truyền thống tôn sư trọng đạo là nét đẹp trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính văn hóa ấy làm người Việt Nam trường tồn qua nhiều thế hệ nhưng vẫn lưu giữ được cốt cách, truyền thống. Nét đẹp ấy truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và để cả những thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống quý báu của cha ông. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có dân chủ hơn, cởi mở hơn nhưng những điều như sự lễ độ, kính trọng và sự biết ơn sâu sắc với người thầy hay trách nhiệm dìu dắt của những người thầy với học trò sẽ là bất di bất dịch, không bao giờ thay đổi”, GS. TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Thầy cô không chỉ là người đứng trên bục giảng, mà còn là người bạn đồng hành, người lắng nghe và chia sẻ. Đặc biệt trong môi trường học đường hiện đại, các em học sinh càng cần có một người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cách thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của học trò. Hình ảnh người thầy trong mắt học sinh sẽ có những sự khác biệt theo từng cấp học, lứa tuổi.Mới đây, cuộc thi video "Thầy cô trong mắt em" do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động với học sinh trên toàn quốc đã nhận được rất nhiều câu chuyện cảm động về những người thầy đã có tác động sâu sắc, có dấu ấn, kỷ niệm khó quên tới các học trò.
"Cô giáo của lớp học hạnh phúc" của học sinh lớp 7A10, trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội là tác phẩm đã đạt giải Nhất cấp thành phố cuộc thi video clip "Thầy cô trong mắt em". Video tái hiện hành trình hạnh phúc của các em bên cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Xuân. Cô Xuân là 1 trong hàng ngàn thầy cô giáo được nhắc tới trong các clip dự thi "Thầy cô trong mắt em"- cuộc thi do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động mới đây. Mỗi câu chuyện là một dấu ấn, kỷ niệm khó quên đối với mỗi bạn học sinh. Mỗi bài thi còn là một món quà tri ân các em gửi đến thầy cô của mình.
Nhà trường giống như một gia đình lớn, trong đó thầy cô là cha mẹ, còn bạn bè là anh chị em thân thiết. Khoảng cách giữa thầy - trò được rút ngắn lại bằng sự sẻ chia và tình thương. Để có một trường học thân thiện, hạnh phúc, cả thầy và trò đều cần phải chủ động, nỗ lực thay đổi để rút ngắn khoảng cách. Trong môi trường giáo dục ấy, thầy cô không còn là người truyền đạt kiến thức một chiều mà là người định hướng tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, một người bạn lớn mang đến những hiểu biết, những trải nghiệm cuộc sống.
Trong hành trang vào đời của mỗi người, có ai mà lại không cần tới sự chăm sóc, dạy bảo, uốn nắn, thương yêu của những người thầy, người cô. Với một dân tộc có truyền thống tôn sư trọng đạo như Việt Nam, dẫu xã hội có thay đổi thế nào, nghề giáo vẫn là một nghề cao quý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!