Thời gian gần đây, dư luận chứng kiến nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong việc thừa kế tài sản. Mới đây nhất, vụ việc ba con gái phóng hỏa đốt nhà mẹ khiến 3 người vong là câu chuyện khiến nhiều người đau lòng. Nguyên nhân cũng từ việc tranh chấp tài sản. Thừa kế tài sản vừa là vấn đề văn hóa, vừa mang yếu tốt kinh tế xã hội nhưng cũng rất phức tạp về mặt pháp lý. Nếu không theo quy định của pháp luật thì mối quan hệ anh, chị, em có thể rơi vào cảnh lôi nhau ra tòa phân xử, mất hết tình cảm, thậm chí gây ra thù hằn.
Theo luật sư Thanh Bình chia sẻ pháp luật có những quy định rất cụ thể về nguyên tắc bảo đảm việc thừa kế được công bằng, chính xác, đúng pháp luật, ví dụ như tôn trọng ý chí của người để lại di sản, không phân biệt đối tượng được hưởng thừa kế là trai hay gái. Điều tốt nhất là nên lập di chúc trước khi qua đời: "Sinh hữu hạn, tử bất kỳ, không ai biết khi nào mình sẽ qua đời nên lập di chúc lúc còn khỏe mạnh, minh mẫn. Những người được hưởng thừa kế cũng cần tôn trọng ý nguyện của cha mẹ, của người để lại di sản, không nên vì chuyện được nhiều, được ít để xảy ra tranh chấp, nồi da nấu thịt như những vụ án hình sự xảy ra trong thời gian qua".
Người châu Á nói chung và người Việt nói riêng vẫn giữ nhiều nếp nghĩ xưa, như quan niệm trọng nam khinh nữ, con trai là nối nghiệp tổ tiên, hay quan niệm dâu con rể khách, con gái đi lấy chồng thì là người của nhà chồng… Những quan niệm này đang chi phối câu chuyện thừa kế tài sản trong nhiều gia đình. Điều đó gây ra tình trạng bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nhiều người, gia đình đã thay đổi quan điểm về thừa kế tài sản.
"Thời nay, mọi nguời văn minh hơn rất nhiều, đã công khai di chúc, thậm chí kể cả khi còn khỏe mạnh. Nhiều người mới 60 hay 70 tuổi đã lập di chúc rồi. Tất cả những di chúc của thời nay đều được bàn bạc kỹ lưỡng, thể hiện công khai nên sau này những người này mất đi thì con cái cũng còn phải tranh chấp tài sản, vì nó không còn sự bất ngờ, không còn thiếu công bằng trong phân chia", nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết.
Xã hội thay đổi khiến quan điểm về gia đình đổi thay. Ngoài những tiêu chí như ấm no, hạnh phúc thì còn có tiến bộ, văn minh, trong phân chia tài sản và thừa kế tài sản cũng vậy. Dù mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh thì việc tôn trọng, chia sẻ và tiếp thu tư tưởng văn minh tiến bộ, cân bằng giữa các yếu tố lý và tình sẽ tạo dựng được những gia đình hạnh phúc, hòa thuận.
"Những bậc cha mẹ văn minh hơn không đặt nặng chuyện con trai được nhiều, con gái được ít hơn hay con cả được nhiều, con út được ít. Điều đó không còn nữa. Ở đây, đứa nào yếu thế hơn sẽ được phần nhiều hơn đứa mạnh mẽ, thậm chí trong nhiều gia đình, việc từ chối nhận tài sản thừa kế cũng đã xuất hiện. Nó cho thấy việc anh, chị, em trong nhà đã hiểu và thương nhau nhiều hơn", nhà văn Hoàng Anh Tú nói tiếp.
Người Việt có câu "nước mắt chảy xuôi", ngụ ý muốn nói của cải bố mẹ dành dụm cả đời rồi sau cũng để dành cho con cái. Nhưng cách để lại nếu chỉ từ mảnh giấy khế ước hay di chúc thì cũng chưa thật sự hoàn hảo. Gia tài cha mẹ để lại cho con không chỉ là đất đai, nhà cửa, tiền bạc mà trên hết là phúc đức, tri thức và tấm lòng. Bởi với cha mẹ, con cái chính là của để dành. Ai cũng mong con cái, anh em hòa thuận, hạnh phúc, đó là phúc đức của tổ tiên, gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!