Tranh dân gian và nghệ nhân sống lay lắt hàng chục năm qua

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 26/07/2023 13:05 GMT+7

VTV.vn - Đưa tranh dân gian vào cuộc sống hiện đại là chủ đề của Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 26/7.

Tranh dân gian là một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Mỗi tác phẩm là một thông điệp nhân văn sâu sắc. Các dòng tranh dân gian là sự kết tinh những giá trị thẩm mỹ, tinh thần, tín ngưỡng mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống Việt qua các thời đại. Không nhiều người Việt hiện nay còn treo tranh dân gian trang trí nhà cửa. Không thể thích ứng với thị trường, tranh dân gian và nghệ nhân sống lay lắt hàng chục năm qua. Ước vọng hồi sinh và gìn giữ di sản văn hóa của cha ông, để màu sắc dân tộc mãi được sáng bừng trên giấy điệp không chỉ là ước nguyện mà còn là trách nhiệm. Với nỗ lực của người dân, làng nghề và các cơ quan chức năng, ước nguyện ấy đang ngày một hiện hữu, sống động và rực rỡ.

Thực tế cho thấy, để bảo tồn tranh dân gian hiệu quả, để nghệ nhân sống được bằng nghề trong nhịp sống hối hả không dễ khi thị trường bị thu hẹp, nhu cầu hạn chế. Để tranh dân gian có thể sống được trong dòng chảy được đại hiện nay, câu trả lời là sáng tạo, đổi mới trên cốt nền truyền thống. Không chỉ là những bức tranh dập khuôn bao đời không đổi, tranh dân gian được đưa vào nghệ thuật, thấm đẫm trong cuộc sống một cách khéo léo, như đưa tranh dân gian lên áo dài, vào trình diễn vũ đạo…

"Tôi rất ấn tượng với các dòng tranh dân gian của Việt Nam như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… Tôi nghĩ việc đưa tranh dân gian lên trang phục cũng là hình thức bảo tồn và phát triển tranh. Khi đưa tranh lên trang phục ứng dụng cũng phải tính toán để giữ nguyên tinh thần và bố cục tranh", nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ chia sẻ về việc đưa tranh dân gian vào áo dài truyền thống.

Có những dấu hiệu khởi sắc trong hồi sinh tranh dân gian nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực đơn lẻ. Để dòng tranh dân gian đủ mạnh trong cuộc sống đương đại là một hành trình gian nan. Việt Nam đã đệ trình UNESCO hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để được xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, dự kiến sẽ được xem xét ở kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phim vật thể năm 2024.

Sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương chỉ là vốn mồi. Tâm huyết của các nghệ nhân cần được tiếp sức bởi nhiều nguồn lực xã hội, cả về tài chính và tài năng sáng tạo để tranh dân gian có thể có đời sống mới trong xã hội hiện đại, bởi đó chính là bản sắc của mỹ thuật truyền thống dân tộc, một trong những điều làm dày tấm card visit của văn hóa Việt khi ra thế giới. Theo các chuyên gia, đây cũng có thể là một sản phẩm nằm trong các tour du lịch hay bài học dã ngoại về lịch sử. Qua đó, khơi lại truyền thống chơi tranh của người Việt, hướng giới trẻ trở về với nguồn cội để thêm tự hào về những vốn quý độc đáo của ông cha.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước