Nếu Sài Gòn (TP.HCM) là thành phố lớn, hiện đại và sôi động bậc nhất Việt Nam, thì Yogyakarta (hay còn gọi Jogja, Jogjakarta) là một thủ phủ nhỏ, thuộc khối Java của Indonesia, với dân số hơn 650.000 người.
Tác phẩm Bonek (sơn dầu, 95 x 110 cm, 2014) của Budi Ubrux, vẽ công phu, sinh động như cuốn từ giấy báo.
Điểm chung của hai thành phố này là trữ lượng về văn hóa, nghệ thuật rất dồi dào; đặc biệt Yogyakarta, bên cạnh nền văn hiến và văn minh cổ điển tiêu biểu (ví dụ các di sản Borobudur và Prambanan), nền văn hóa batik, ba-lê, kịch nghệ, âm nhạc, thơ ca, múa rối… phong phú, nơi đây còn nổi lên như một trung tâm nghệ thuật đương đại của Đông Nam Á. Chính vì vậy, triển lãm Yogyakarta - Sài Gòn là cơ hội để ta biết thêm về một thành phố có quá nhiều điểm đặc trưng và phổ quát.
Tác phẩm Nụ hôn (tổng hợp, 120 x 120 cm, 2015) của Lương Lưu Biên.
Sáu nghệ sĩ Indonesia sẽ đến Sài Gòn trong vòng 10 ngày để triển lãm, giao lưu và đặt quan hệ nghệ thuật về sau này. Cuối tháng 6/2015, 6 nghệ sĩ Việt Nam sẽ đến Yogyakarta 10 ngày để làm công việc tương tự. Phía Việt Nam đa số là nghệ sĩ còn trẻ, như Lương Lưu Biên, Siu Quý, Lê Hào, Nguyễn Ngọc Đan, Alan Nguyễn, chỉ có Mai Anh Dũng thuộc thế hệ 6X. Phía Indonesia thì có vẻ “oách hơn” về thị trường quốc tế, ví dụ Agus Suwage (sinh 1959), Budi Ubrux (1968), Titarubi (1968) tranh bán khá chạy. Còn Hadi Soesanto, Emmy Go, Sulistyo Chung thì đang tìm tòi trên con đường của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ở chất lượng nghệ thuật, triển lãm này đã có được 4-5 tác giả đáng xem, họ đến từ hai nước.
Triển lãm mở cửa hàng ngày từ 8h đến 20h, kéo dài đến 23/5/2015. Phần tiếp theo của triển lãm sẽ diễn ra tại thành phố Yogyakarta, dự kiến ngày 20/6 khai mạc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.