Trịnh Công Sơn - tên không chỉ đặt cho đường

Theo N.M.Hà/Tiền Phong-Thứ ba, ngày 25/08/2015 23:09 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội là thành phố thứ ba đặt tên đường Trịnh Công Sơn nhưng lại là nơi đầu tiên tổ chức lễ đặt tên. Buổi lễ sẽ diễn ra vào lúc 8h30 sáng 26/8 tại vườn hoa Lý Tự Trọng.

Một học bổng âm nhạc mang tên Trịnh Công Sơn nhân dịp này cũng được đưa vào thực hiện, hứa hẹn hàng năm “nuôi” tối đa 10 tài năng âm nhạc hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa tham gia khóa học tại trường nghệ thuật Soul của nhạc sĩ Thanh Bùi.

Với những trường hợp thực sự tài năng, quỹ này sẽ đưa các em ra nước ngoài ăn học. Đại diện gia đình nhạc sĩ khẳng định: “Không sợ thiếu kinh phí để duy trì học bổng, chỉ sợ không có tài năng để trao”. Được biết một phần học bổng trích từ tiền tác quyền nhạc Trịnh, và một phần là đóng góp của vợ chồng Thanh Bùi.

Hai giảng viên Đại học UCLA (Mỹ) đang ở Việt Nam trao đổi cùng gia đình nhạc sĩ để phát triển môn Trịnh Công Sơn học đã đi vào năm giảng dạy thứ hai. Gia đình nhạc sĩ cũng được mời sang “dự giờ”. Trong môn này, lời hát của Trịnh Công Sơn sẽ được phân tích trên khía cạnh ngôn ngữ, văn hóa và bối cảnh lịch sử Việt Nam.

“Như họa sĩ chuyên nghiệp”

Để có đánh giá khách quan về tranh Trịnh Công Sơn, gia đình mời giám đốc phụ trách châu Á của nhà đấu giá Christie’s Wang Zineng cùng một cố vấn cao cấp của Christie’s là Jean Francois Hubert. Xem những bức tranh tiêu biểu của nhạc sĩ tại TPHCM, gia đình đã cho công bố kết luận của chuyên gia: “Theo đánh giá của Christie’s, tranh Trịnh Công Sơn có giá trị nổi bật (outstanding) nhìn từ khía cạnh nghệ thuật, bố cục và màu sắc như là một bức tranh của một họa sĩ chuyên nghiệp.”

“Tình cảm của anh Sơn dành cho Hà Nội, Trinh thiết nghĩ đã thể hiện qua hai ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” và “Đoản khúc thu Hà Nội” được nhiều người yêu mến. Sau ngày đất nước thống nhất, anh và nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng Hà Nội đã tìm gặp nhau và trở thành những người bạn thân thiết của nhau - và bây giờ là anh em chúng tôi. Gia đình thật sự cảm kích khi Hà Nội có con đường mang tên anh, con đường mà bạn bè cho là một trong những con đường đẹp và lãng mạn nhất Thủ đô!”.

Ông Nguyễn Trung Trực, đại diện gia đình cho hay gia đình ước đoán đang giữ khoảng 1/4 số tranh Trịnh Công Sơn đã vẽ. Sinh thời, nhạc sĩ thường đem tranh tặng cho bạn bè. Họa sĩ Đinh Cường- bạn thân của nhạc sĩ- ở Mỹ giữ một bộ sưu tập tranh Trịnh Công Sơn được ông Trực đánh giá “có thể còn độc đáo hơn của gia đình”. Được biết một người bạn khác của nhạc sĩ ở Singapore còn giữ bức tranh Trịnh Công Sơn vẽ vợ mình, từng được hỏi mua với giá hơn 40 ngàn đô nhưng chủ nhân không bán. “Mục đích gia đình mời chuyên gia thẩm định không phải để bán. Sẽ không bao giờ bán bất cứ tranh nào của Trịnh Công Sơn mà gia đình giữ”, ông Trực nói.

Theo ông Trực, gia đình ít khi cho đem triển lãm tranh Trịnh Công Sơn vì không đủ tin tưởng hệ thống an ninh của bảo tàng. Nhưng sắp tới những bức tranh quý có thể sẽ được trưng bày tại một khách sạn hạng sang ở TPHCM, nơi có phòng tranh được bảo vệ chặt chẽ. Năm tới, sách tranh Trịnh Công Sơn cũng dự định ấn hành. Một trong số những bức của Trịnh Công Sơn được đánh giá cao là chân dung Văn Cao bằng sơn dầu.

Bao giờ có bảo tàng Trịnh Công Sơn?

Gác Trịnh ở Huế trưng bày một số kỷ vật về Trịnh Công Sơn nhưng không phải do gia đình điều hành. Căn gác nhỏ này cũng gắn với kỷ niệm buồn khi cha nhạc sĩ qua đời và gia đình suy sụp tài chính. Trịnh Công Sơn sau đó đã cho Hoàng Phủ Ngọc Tường căn gác này.

Cách đây 3 năm tưởng Huế sắp có khu tưởng niệm Trịnh trên diện tích 10ha bên đồi Vọng Cảnh với đầy đủ bảo tàng, nơi trình diễn trong nhà và ngoài trời, trại sáng tạo, 20 căn hộ cho khách tới thăm… Mộ nhạc sĩ cũng sẽ được di dời về đây. Nhưng dự án đến nay chưa thành vì cho đến phút chót, khi việc thiết kế khu tưởng niệm đã đi vào chi tiết, Huế lại muốn cắt 2ha cho dự án khác.

Căn nhà của nhạc sĩ ở Sài Gòn không đủ rộng để bày hết hiện vật và cũng không có người để quản lý, tiếp đón khách. Vì thế nơi đây chỉ mở cửa cho người hâm mộ vào dịp giỗ Trịnh hàng năm. Dù thế nào, gia đình khẳng định sẽ ưu tiên Huế. Bà Trịnh Vĩnh Trinh nói: “Gia đình từ lâu có kế hoạch lập Khu lưu niệm Trịnh Công Sơn. Hy vọng yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” rồi cũng sớm đến cho anh em tôi thực hiện ước nguyện này. Gia đình chúng tôi luôn nghĩ những kỷ vật anh em chúng tôi đang giữ không chỉ là của gia đình mà là của tất cả người Việt.”

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước