Ngày 26/01, Việt Nam đã gửi hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO để xét công nhận là di sản thế giới. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được cấu thành từ 5 cụm di tích lịch sử đặc biệt, gồm: khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử, di tích lịch sử nhà Trần, bãi cọc Bạch Đằng, khu di tích danh thắng Tây Yên Tử và quần thể Côn Sơn – Kiếp Bạc, Thanh Mai. Tầm quan trọng của quần thể di tích danh thắng này được thông qua hàng loạt các di tích, danh lam thắng cảnh trong khu di sản được nhận diện xếp hạng ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, với đầy đủ 4 loại hình di tích danh lam thắng cảnh: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, địa điểm danh lam thắng cảnh.
Hồ sơ Quần thể và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ di sản văn hóa đầu tiên có phạm vi triển khai trên cả 3 tỉnh, điều chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Để đảm bảo được sự vẹn toàn quy mô của di sản, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã phối hợp nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học tập trung nghiên cứu 3 lĩnh vực. Đó là giá trị văn hóa lịch sử, hệ thống kiến trúc cảnh quan, đặc điểm giá trị địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học của quần thể, tạo cơ sở khoa học cho hồ sơ di sản. Nếu được UNESCO ghi danh, đây thực sự là một thành quả về văn hóa vượt qua khuôn khổ không gian của một tỉnh, trở thành di sản chung của nhân loại và đất nước, trong đó ba tỉnh cùng xây dựng, bảo vệ và giữ gìn.
Từ năm 2013, Bộ VHTT-DL đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì hướng dẫn, phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang lập hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình Thủ tướng Chính phủ để cho phép đệ trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới. Trải qua hành trình hơn 10 năm, việc hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử một cách đầy đủ và thuyết phục đã cho thấy sự chủ động của các địa phương, cũng như vai trò định hướng hỗ trợ của Bộ VHTT-DL.
"Đó là những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, bài bản, vừa đáp ứng tiêu chí của Luật Di sản văn hóa vừa đáp ứng quy định của UNESCO, của hướng dẫn thực hiện Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đồng thời có sự đồng hành hỗ trợ tích cực, chặt chẽ, có hiệu quả của các chuyên gia, nhà khoa, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Trung tâm Di sản thế giới… Chúng tôi tin tưởng đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng để chờ đón việc UNESCO đưa di sản văn hóa quần thể di tích danh thắng Yên Tử vào kỳ họp thứ 47 năm 2025", bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT-DL chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!