Trên truyền thông, Trường Giang hạn chế nói về khó khăn tuổi thơ vì sợ mang tiếng "ôn nghèo kể khổ". Trong gia đình, anh và người thân thường ôn lại thời nghèo khó, để nhắc nhở nhau đoàn kết và cố gắng không ngừng.
Trường Giang vươn lên từ khó khăn, hoài nghi về khả năng diễn xuất. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc
Ngày Tết chỉ mặc một chiếc áo mới
Trường Giang sinh ra trong gia đình nghèo ở Quảng Nam. Khi anh lên 5 tuổi thì mẹ - người trụ cột kinh tế trong nhà mất vì tai nạn. Một mình ba anh với việc tài xế, không đủ sức nuôi 6 con thơ. Thế là cả nhà phải tan đàn xẻ nghé, 4 người theo cha vào Đồng Nai lập nghiệp, 2 người ở nhờ nhà chú.
3 năm sau, khi dựng được mái nhà tranh, cha có tiền lương anh em Trường Giang mới được đoàn tụ. Ký ức tuổi thơ của nam danh hài là mảng màu đen vì tất cả chỉ gắn với nghèo đói, thiếu ăn. Cuộc sống của gia đình trong ngôi nhà tranh, vách đất lụp xụp là cảnh trời mưa bị dột, phải di chuyển giường vòng quanh nhà.
Đồng lương ít ỏi của ba không đủ nuôi 6 anh em đang tuổi ăn tuổi lớn. Để vai ba bớt gánh nặng, anh em Trường Giang bảo nhau đi mót cao su, củi khô bán kiếm tiền. Nhiều khi đến bữa, mang nồi đi nấu cơm thì gạo hết, tiền không có, anh em Mười khó lại sang nhà chú vay gạo. Không có tiền mua trứng, thịt, chị em Trường Giang cải thiện bữa ăn bằng mít non, măng - cây sẵn có trong vườn. Điệp khúc măng, mít trong mỗi bữa ăn kéo dài trong nhiều năm.
Vào dịp Tết, sự thiếu thốn càng hiện rõ trong căn nhà nghèo. Mong ước lớn nhất của cậu bé Trường Giang khi đó là nhận được lì xì để có tiền mua hột vịt lộn và uống nước mía. “Thời đó, Tết được một bộ đồ mới là đỉnh rồi. Mặc đồ mới khoái lắm nên tôi mặc hoài không cởi ra”, anh kể. Và 6 anh em nhìn lên bầu trời xanh lại cảm thán: “Bao giờ gia đình mình có cơm ăn, không còn nghèo khổ”.
Mối tình của Trường Giang và Nhã Phương làm khán giả và truyền thông tò mò. Ảnh: Công Thành
Tết đáng nhớ nhất là được đi diễn kịch dài
Tốt nghiệp cấp 3, Trường Giang lên Sài Gòn thi trường sân khấu điện ảnh với mong ước đổi đời. Anh trai Giang hiểu được sự khó khăn, phức tạp của môi trường nghệ thuật, từng ngăn cản em. Tuy nhiên, anh chàng vẻ ngoài hơi điệu đà nhưng tính cách quyết đoán, kiên định theo con đường mình lựa chọn.
Bước vào trường sân khấu tưởng như mọi việc đã thuận buồm xuôi gió nhưng không ngờ 3 năm học trong trường, Trường Giang liên tục bị đuổi học vì lúc thiếu học phí, lúc thầy giáo nói thẳng: “Em không có năng khiếu, cố đến mấy cũng không trở thành diễn viên, hãy nghỉ học đi”. Người nhụt chí sẽ nhanh chóng từ bỏ nhưng cái nghèo đeo đẳng, không cho phép Trường Giang buông xuôi. Anh cố bám trụ nghề bằng tất cả sự kiên trì, vất vả.
Suốt thời gian ấy, Trường Giang phải đi làm thêm đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống ở thành phố như phát tờ rơi, phục vụ bàn, quán bar. Đến giờ Trường Giang vẫn ám ảnh cảnh ở phòng trọ nhỏ, ăn mì tôm triền miên, người xanh xao vì thiếu chất.
May mắn mở ra với anh khi được nghệ sĩ quá cố Hữu Lộc mời về sân khấu Nụ cười mới diễn. Lúc này vẫn chỉ được nhận vài vai không thoại hoặc có 1-2 câu thoại nhưng là thành quả lớn hơn của anh là được đóng chung với những đàn anh dày dặn kinh nghiệm sống, có tâm với nghề như Hoài Linh, Chí Tài.
Cái Tết đáng nhớ trong sự nghiệp của Trường Giang là năm 2008. Lúc đó, anh không về quê mà ở Sài Gòn diễn kịch. "Cảm giác mình được làm việc như một nghệ sĩ thực sự: diễn kịch dài vào dịp Tết dù đó là vai phụ và cát xê không đáng là bao, tôi hạnh phúc vô cùng", anh nhớ lại.
Sau ánh đèn sân khấu, trở về nhà là nỗi cô đơn của người xa quê vào ngày Tết, Trường Giang không tránh khỏi nỗi buồn. Tuy nhiên, anh khẳng định: “Tôi là người lì lắm. Đối diện với những chuyện đau đớn sẽ không khóc nhưng chuyện nhỏ, chạm đến trái tim lại dễ dàng rơi nước mắt”.
Năm nay, Trường Giang và các anh chị em ngồi lại bên nhau vào dịp Tết. Bên món ăn truyền thống, đậm hương vị Quảng Nam, diễn viên 49 ngàycùng người thân ôn lại những kỷ niệm ngày nghèo khó, thời gian anh em tự bơi kiếm sống.
Với Trường Giang để có thành quả của ngày hôm nay là điều may mắn, kỳ diệu. Việc anh và người thân nhắc nhớ thời nghèo khó mỗi dịp gặp mặt không phải là ôn nghèo, kể khổ mà chính là động lực để cả nhà đoàn kết và cố gắng hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!