Phần thứ 7 của chuỗi phim Lật mặt đứng đầu doanh thu phòng vé dịp lễ 30/4 và 1/5, mang lại không khí sôi động cho các rạp chiếu phim. Một bộ phim nội địa không cảnh nóng, không gây sốc, không tranh cãi mà đề cao hình ảnh người mẹ, tình cảm gia đình. Doanh thu phim ngày 9/5 là khoảng 320 tỷ đồng, vẫn đang tăng dần trong tháng 5/2024. Lật mặt 7: Một điều ước đã giúp Lý Hải thực hiện được ước mơ ấp ủ từ lâu của mình.
Ngôi nhà gỗ bên bờ suối của bà Hai trong phim được dựng mới với nhiều chi tiết. Vì sao anh làm kỹ như vậy?
Trong phim Lật mặt 7:Một điều ước, tôi đã quay nhiều bối cảnh lớn ở TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Lạc Dương, Phan Rang và Hà Nội. Bối cảnh chính cho phim ở Lạc Dương, Lâm Đồng phải hợp với phim để cho nhân vật chính. Tôi nghĩ một bà mẹ sống đơn thân nếu ở trung tâm ngôi làng thì có chuyện gì xảy ra cũng được nhiều người dân hỗ trợ. Còn bà Hai sống ở khu vực vùng ven nên khi có sự cố, không có người giúp đỡ thì gặp khó khăn hơn rất nhiều, cần có sự chăm sóc của những đứa con ruột. Vì thế tôi đã xây dựng một căn nhà bên suối để bà Hai hàng ngày phải tự bắt cá bắt tép xung quanh nhà mang ra làng bán. Ngoài ra bà Hai trồng xung quanh nhà một cánh đồng hoa bất tử để có thêm thu nhập.
Bối cảnh nhà bà Hai được xây mới hoàn toàn để phục vụ cho việc quay phim.
Tại sao anh lại chọn hoa bất tử để làm điểm nhấn xuyên suốt bộ phim?
Khoảng vài chục năm trước, mỗi khi ai đi chơi Đà Lạt về đều mua một bó hoa hay giỏ hoa bất tử về làm quà. Những bông hoa đó có màu sắc rực rỡ, rất đẹp, nhiều ý nghĩa và chưng được rất lâu. Nhưng gần đây ít có người trồng. Tôi muốn làm một điều gì đó, để sau khi xem phim xong mọi người sẽ nhớ về loài hoa bất tử này. Bởi vì cá nhân tôi cảm thấy loài hoa này rất đẹp.
Tôi đã tự làm khó bản thân mình và cả ekip khi đi săn lùng mua về trồng ở cánh đồng mà hoa lại khan hiếm. Tổ đạo cụ phải nhờ anh em bạn bè để tìm được hoa tươi mang về trồng vào phim trường. Cánh đồng hoa còn cần phải nở rực đúng vào thời điểm bấm máy phim.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện gia đình nhà bà Hai ở vùng cao nguyên.
Bối cảnh làng K’Long K’Lanh có điểm gì hấp dẫn để anh chọn quay phim?
Các đại cảnh phụ thuộc vào nội dung kịch bản. Trong phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh bối cảnh chủ yếu ở miền Tây với làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp) nên chúng tôi đã có thời gian đi thực tế. Khi phim ra mắt mọi người biết đến làng nhiều hơn thì lần gần nhất tôi trở lại thăm Định Yên đã thấy có sự thay đổi lớn. Đường được lát bằng phẳng, trồng cây hoa đẹp mắt và làng chiếu trở thành địa điểm tham quan du lịch. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình có thể góp một phần nhỏ để giúp bà con nơi đó.
Ngôi làng K’Long K’Lanh (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) có 90% là người đồng bào dân tộc K’Ho. Ở đó là vùng sâu, vùng xa với cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng cảnh quan rừng núi hoang sơ, đẹp như vùng núi phía Bắc là Cao Bằng, Hà Giang. Tôi hy vọng sau khi xem phim, mọi người sẽ biết đến làng K’Long K’Lanh để phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, kinh tế tốt hơn cho người dân.
Đạo diễn Lý Hải và dàn diễn viên "Lật mặt 7"
Khi không có phim trường chuyên nghiệp, quá trình sản xuất phim sẽ có khó khăn như thế nào?
Phim trường cần phải có quỹ đất rất lớn mới thực hiện được. Thêm vào đó phải có người hiểu nghề để điều hành phim trường. Trong đó phải xây dựng riêng các khu nhà giàu, khu nhà nghèo, làng miền Tây, miền Trung, nước ngoài, nhà cửa, cây cối, xe cộ… đòi hỏi người làm việc phải thực sự có nhiều tiền, có tâm và hiểu biết. Quan trọng là doanh thu mang lại từ các bộ phim đến khi nào mới đủ vốn đầu tư. Chính vì vậy Việt Nam rất thiếu phim trường.
Tôi nghĩ để nền điện ảnh phát triển thì Nhà nước cần đầu tư những phim trường chuyên nghiệp để các đoàn làm phim có thể sử dụng. Ví dụ tôi muốn quay một cảnh rượt đuổi trên đường phố thì chỉ có thể xin phép chặn một đoạn đường để quay, tránh nguy hiểm cho mọi người. Còn nếu quay ở trong phim trường với bối cảnh phục dựng thì mọi người có thể thoải mái sáng tạo. Khi đó năng suất làm việc sẽ cao hơn, hiệu quả tốt hơn.
Bốn con của Lý Hải vào vai con nhà nghèo trong phim của cha mẹ đầu tư sản xuất.
Tại sao anh chuyển hướng làm phim về gia đình và dành cho mọi lứa tuổi khán giả?
Tôi có phòng dựng phim ở nhà nên mỗi khi các con đi học về thường ghé qua xem ké. Những phân đoạn bình thường thì các con có thể thoải mái xem cùng, nhưng những khúc nhạy cảm thì phải mời các con ra ngoài để ba làm việc. Lúc đó các bé thắc mắc vì sao ba không làm phim cho con và các bạn có thể xem được. Suốt mấy năm vừa rồi tôi đều nghe nhưng cũng để đó chứ không thể nào muốn là sẽ làm liền được.
Tôi đã ấp ủ ý tưởng một ngày nào đó có thể làm được một bộ phim mà mọi lứa tuổi có thể xem và cuối cùng cũng thực hiện được ước mơ đó. Gia đình ba thế hệ ông bà, cha mẹ và con cùng đến rạp xem phim. Ở Lật mặt 7: Một điều ước, tôi muốn xây dựng các nhân vật không có người xấu, mọi người đều tốt, chỉ là cuộc sống đưa đẩy đến hoàn cảnh không mong muốn. Khán giả xem xong có thể tự ngẫm lại rằng nếu như mình trong hoàn cảnh đó thì sẽ cư xử như thế nào.
Lý Hải gắn với hình ảnh "người đàn ông của gia đình". Anh luôn cưng chiều con cái. Trong ảnh, anh đang bế con út Mio 8 tuồi trong một buổi giao lưu khán giả.
Hình ảnh đạo diễn Lý Hai trên phim trường khác như thế nào so với ba Lý Hải ở nhà?
Các con của tôi may mắn có năng khiếu từ ba mẹ nên chỉ cần nói thôi là các bạn hiểu ý, nhanh nhạy để diễn liền. Tại phim trường không đến nỗi phải quay đi quay lại nhiều lần. Ở nhà ba quá quen thuộc với các con rồi nên không dám la mà chỉ góp ý nhẹ nhàng để các bé hiểu ý của mình hơn. Những việc còn lại thì nhờ anh phó đạo diễn làm việc với các bé (cười).
Cám ơn những chia sẻ của anh!
Miệt mài 9 năm xây dựng thương hiệu phim Lật mặt, vượt qua những định kiến ban đầu về một ca sĩ không đi hát từ lâu bỗng chuyển sang làm đạo diễn, Lý Hải dần dần tạo dựng một thương hiệu riêng. Phim Lật mặt của anh trở thành một trong những điểm nhấn của mùa phim dịp lễ 30/4 và 1/5 trong vài năm trở lại đây. Chất lượng các bộ phim ngày càng tốt hơn theo thời gian với sự tiến bộ không ngừng của nam nghệ sĩ trong các vai trò biên kịch, đạo diễn, dựng phim, diễn viên, sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!