Vì sao phim hoạt hình Việt thất thế ngay trên sân nhà?

PV-Thứ bảy, ngày 07/10/2023 18:26 GMT+7

VTV.vn - Trong khi những bộ phim hoạt hình nước ngoài "làm mưa làm gió" tại khắp các rạp chiếu phim trên toàn quốc, phim hoạt hình Việt chỉ đành ngậm ngùi chịu cảnh chiếu miễn phí

Hoạt hình chiếu rạp vẫn là sân chơi của phim ngoại

Ngành phim hoạt hình thế giới đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh với quy mô khoảng 394,6 tỷ USD vào năm 2022, dự kiến lên tới 587,1 tỷ USD vào năm 2030. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ đó, doanh thu của ngành hoạt hình được ước tính chiếm từ 10 - 15% doanh thu của ngành điện ảnh toàn cầu, và thị trường Việt Nam cũng đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành hoạt hình trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, trong lịch sử 64 năm của ngành hoạt hình Việt Nam, chưa có bất cứ một bộ phim hoạt hình nội địa nào được đầu tư sản xuất để khai thác thương mại trong các rạp chiếu phim. Một số ít phim được tạo cơ hội xuất hiện trên màn ảnh lớn như "Người con của Rồng" của đạo diễn Phạm Minh Trí (2010), tuy nhiên cũng chỉ là những chương trình chiếu phim miễn phí nhằm mục đích phục vụ cộng đồng.

Vì sao phim hoạt hình Việt thất thế ngay trên sân nhà? - Ảnh 1.

Phim "Người con của Rồng" được chiếu rạp miễn phí năm 2010 phục vụ tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Việt Nam tuy chưa phải là một cường quốc về công nghiệp hoạt hình nhưng lại sở hữu nguồn nhân lực sản xuất phim chất lượng cao và dồi dào. Nhiều xưởng hoạt hình Việt Nam đã góp mặt trong đội ngũ sản xuất những bộ phim hoạt hình nổi tiếng như Armada TMT Studio (Oggy and the Cockroaches), Nam Hải Art (Attack on Titan, One Piece, Đứa Con Của Thời Tiết),...

Điều này là minh chứng cho thấy đội ngũ nhân lực Việt hoàn toàn có đủ năng lực để tạo nên những sản phẩm hoạt hình mang tầm vóc quốc tế, nhưng còn thiếu nhiều cơ hội để hoạt hình nước ta lên sóng màn ảnh lớn.

Đầu tư lớn, rủi ro cao!

So với các cường quốc về hoạt hình tại Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi và thích ứng nhanh. Sở hữu bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng có thể khai thác làm chất liệu cho những chủ đề hoạt hình đặc sắc. Tuy nhiên, hoạt hình Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn đến từ nhiều yếu tố khách quan khác. Đặc biệt, để một sản phẩm hoạt hình "make in Việt Nam" khai thác thương mại trên màn ảnh rộng lại càng khó khăn hơn.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là về mặt tài chính. Trên thị trường, chi phí sản xuất một bộ phim hoạt hình chiếu rạp cơ bản có thể dao động từ 1 đến 10 triệu USD. Đối với một số phim hoạt hình đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật phức tạp, con số này có thể lên đến cả trăm triệu USD. Đây thực sự là một con số khổng lồ đối với nhiều studio có quy mô nhỏ và vừa tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, khả năng thu hồi vốn cũng là nguyên nhân khiến các nhà làm phim hoạt hình e ngại. Nhìn chung, đại đa số khán giả Việt vẫn chưa có nhiều thiện cảm với phim hoạt hình nội địa, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm hoạt hình chất lượng cao đến từ các cường quốc về hoạt hình như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Do vậy, rủi ro trong việc khai thác thương mại cũng khá lớn.

Vì sao phim hoạt hình Việt thất thế ngay trên sân nhà? - Ảnh 2.

Nhiều studio lựa chọn sản xuất hoạt hình chiếu trực tuyến như một sự lựa chọn an toàn

Ngoài ra, một bộ phim hoạt hình chiếu rạp có khi cần đến 5 tới 6 năm để hoàn thiện và ra mắt công chúng. Với khoảng thời gian dài như vậy, nhiều studio sẽ lựa chọn thực hiện các dự án series hoạt hình ngắn chiếu trên các nền tảng trực tuyến hoặc các dự án hoạt hình quảng cáo, thay vì mạo hiểm dồn toàn bộ nguồn lực cho một bộ phim chiếu rạp - điều mà họ chưa chắc chắn về tỷ lệ thành công.

Mở cánh cửa cho hoạt hình Việt bước vào cuộc chơi màn ảnh rộng

Mới đây, Sconnect, đơn vị sở hữu bộ nhân vật Wolfoo - bộ phim hoạt hình nổi tiếng với hàng chục tỷ lượt xem trên YouTube đã công bố dự án mới nhất: "Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí". Đây là dự án hoạt hình "make in Vietnam" đầu tiên được ra rạp với mục đích thương mại.

Trước đó, dòng phim hoạt hình ngắn Wolfoo được đăng tải trên các nền tảng trực tuyến đã thu hút và nhận được sự ủng hộ của hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới. Sở hữu hơn 4,5 tỷ lượt xem trên YouTube mỗi tháng, gặt hái về 3 nút kim cương và hàng trăm nút vàng, nút bạc, chú sói Wolfoo đã trở thành một người bạn không thể thiếu trong danh mục giải trí của hàng trăm triệu trẻ em trên toàn thế giới.

Vì sao phim hoạt hình Việt thất thế ngay trên sân nhà? - Ảnh 3.

Một cảnh phim trong trailer ra mắt của "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí"

Với mục tiêu nâng tầm vị thế của hoạt hình Việt ở cả thị trường quốc nội lần quốc tế, sự kiện "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí" ra rạp đánh dấu một cột mốc mới, không chỉ của Sconnect mà là của ngành hoạt hình Việt Nam khi đã hiện thực hóa được mục tiêu đưa hoạt hình Việt lên màn ảnh lớn.

Dù phải chờ đến khi phim ra rạp mới có thể biết được kết quả về doanh thu phòng vé, nhưng việc một doanh nghiệp Việt dám "liều lĩnh" đầu tư sản xuất hoạt hình chiếu rạp sẽ đặt nền móng cho những dự án hoạt hình Việt Nam xuất hiện trên màn ảnh lớn trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước