Hai cơ sở sản xuất dầu mỏ chủ chốt của Saudi Arabia tại thành phố Abqaia và Khurais đã bị thiết bị bay không người lái tấn công cuối tuần qua. Vụ việc làm sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia giảm 5,7 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 5% nguồn cung dầu thô thế giới. Thị trường dầu chưa bao giờ chứng kiến một sự cắt đứt đột ngột nguồn cung ở mức độ lớn đến như vậy kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh vào những năm 1990.
Hai cơ sở lọc dầu bị tấn công thuộc hàng lớn nhất thế giới. Trong một tuyên bố mới đây, Riyadh cho biết sẽ mở kho dầu dự trữ của mình để bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt. Kho dầu dự trữ của Saudi Arabia hiện còn khoảng gần 200 triệu thùng. Tuy nhiên, thị trường hiện không chỉ quan tâm tới câu hỏi bù đắp như thế nào cho 5,7 triệu thùng dầu bị thiếu hụt do vụ tấn công.
Vụ tấn công được cho là đang đặt thị trường dầu mỏ vào những thực tế rất mới, đó là liệu còn có thể tin cậy vào khả năng đảm bảo nguồn cung dầu ổn định từ Saudi Arabia? Đây không phải là lần đầu tiên Saudi Arabia bị tấn công. Kể từ vụ tấn công vào các đường ống dẫn dầu vào ngày 14/5, tới nay, nước này đã chịu thêm ít nhất 4 vụ tấn công bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa. Và vụ việc mới đây được đánh giá là nghiêm trọng nhất.
Trong năm 2018, Saudi Arabia đã chi tới gần 70 tỷ USD nhằm nâng cấp tiềm lực quốc phòng. Nước này hiện đứng thứ 3 thế giới về chi tiêu cho quân sự. Tuy nhiên, việc Riyadh liên tiếp bị tấn công đang bộc lộ thực trạng mong manh trong an ninh của nước này, đây cũng là sự mong manh của thị trường dầu mỏ.
Saudi Arabia tuyên bố nước này đang nỗ lực khôi phục sản lượng dầu. Tuy nhiên, thị trường thế giới không thể bình tĩnh chờ đợi. Giá dầu trong phiên giao dịch ngày 16/9 đã chứng kiến mức tăng cao nhất trong nhiều tháng qua. Giá dầu thế giới tăng mạnh được xem là hệ quả trực tiếp từ vụ tấn công nhằm vào 2 cơ sở sản xuất dầu quan trọng của Saudi Arabia. Một câu hỏi lớn đang được đặt ra là Saudi Arabia sẽ cần bao nhiêu thời gian để khôi phục mức cung ra thị trường thế giới khoảng 9,9 triệu thùng dầu/ngày? Các nhà phân tích lo ngại, một sự gián đoạn lâu dài trong việc cung cấp dầu có thể mang lại hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế toàn cầu, thậm chí là lặp lại tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo các chuyên gia, nếu sự cố ngừng hoạt động ở Saudi Arabia, một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tiếp tục kéo dài, giá dầu có thể dễ dàng tăng lên hơn 80 USD/thùng và thậm chí còn cao hơn. Các nước đã phải tính đến phương án đối phó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!