Mỹ có thể sẽ trấn áp các mục tiêu quân sự của Iran tại vùng Vịnh

Anh Phương (Thường trú Đài THVN tại Trung Đông)-Chủ nhật, ngày 16/06/2019 05:33 GMT+7

Một trong hai tàu chở dầu bị cháy ở Vịnh Oman, cách bờ biển Iran 14 hải lý. Ảnh: Reuters.

VTV.vn - Kịch bản được dự báo là Mỹ cùng một số đồng minh vùng Vịnh có thể sẽ tăng cường các hoạt động kiểm soát thậm chí trấn áp các mục tiêu quân sự của Iran tại vùng Vịnh.

Căng thẳng Mỹ và Iran tiếp tục gia tăng sau vụ hai tàu chở dầu bị tấn công tại Vịnh Oman. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/6 đã lên tiếng cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công này, một cáo buộc mà Iran luôn bác bỏ.

Trả lời phỏng vấn điện thoại với hãng tin Fox News ngày 14/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định đoạn băng ghi hình của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đã tố cáo hành vi của Iran. 

Những hình mà phía Mỹ đưa ra cáo buộc tàu của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã tiếp cận một trong số hai tàu chở dầu sau khi chúng bị tấn công và gỡ bỏ thủy lôi chưa phát nổ khỏi thân tàu.

Cho tới nay, Iran vẫn kiên quyết bác bỏ các cáo buộc liên quan tới vụ tấn công hai tàu chở dầu.  Phía Iran khẳng định, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này là lực lượng ở gần nhất nơi xảy ra vụ việc, và Iran là nước đầu tiên có mặt để giải cứu các thủy thủ đoàn.

Vụ tấn công lần này xảy ra chỉ 1 tháng sau sự việc 4 tàu bị tấn công ở eo biển Hormuz. Vụ việc đó cũng đã gây ra những tranh cãi giữa Mỹ và Iran.

Phóng viên Anh Phương thường trú VTV tại Trung Đông cho hay: "Điểm đáng chú ý nhất của sự cố vừa rồi là việc Ngoại trưởng Mỹ đã thẳng thắn cáo buộc Iran chính là phía đã gây ra vụ tấn công. Với một cáo buộc như vậy, người ta cho rằng Mỹ sẽ không thể xới lên rồi để đấy được. Kịch bản được dự báo là Mỹ cùng một số đồng minh vùng Vịnh có thể sẽ tăng cường các hoạt động kiểm soát thậm chí trấn áp các mục tiêu quân sự của Iran tại vùng Vịnh. Hoặc ít nhất lấy đó làm sức ép buộc các đối tác quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu cùng có các biện pháp cứng rằng nhằm vào Tehran. Tuy nhiên thì cũng cần nhớ Iran không hề dễ chịu khuất phục. Họ cũng chịu cấm vận và đủ các sức ép suốt hơn 4 thập kỷ qua. Mỹ lần này làm căng hơn, nhưng nếu không khéo thì dễ lại kéo mọi thứ vào những vòng xoáy gây hấn và trả đũa dưới danh nghĩa tự vệ, rất khó kiểm soát".

"Cái khó hiện nay là không bên nào chịu xuống thang. Iran khẳng định chỉ đàm phán với Mỹ khi Washington dỡ bỏ cấm vận. Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ không trở lại cách tiếp cận với Iran như thời Tổng thống Obama. Chúng tôi từng nhiều lần sang Iran và hỏi câu hỏi tương tự với giới học giả nước này. Họ cho rằng, với Iran thì giờ chỉ có 2 giải pháp thôi. Một là đợi cho đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo, biết đâu nước Mỹ sẽ có một Tổng thống mới. Hoặc là Iran cần phải rời bỏ thỏa thuận hạt nhân, từ đó mà mở cơ hội cho đàm phán lại từ đầu. Chứ để như bây giờ, căng thẳng cứ giằng dai mà chẳng có chiều hướng gì để giải quyết những mâu thuẫn hiện nay" - phóng viên Anh Phương cho biết thêm.

Trước tình hình căng thẳng leo thang, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải nếu các bên đồng ý. Ông Guterres cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập để xác định thủ phạm vụ tấn công hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước