Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, số đơn vị hành chính của thủ đô Hà Nội đã ổn định, diện tích thủ đô được xác định là hơn 3.300 km2, gồm 30 quận, huyện và thị xã. Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, quá trình đô thị hóa của thủ đô cũng tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Trong phát triển đô thị, dù đã có chỉ đạo hạn chế nhà cao tầng trong nội đô, tuy nhiên đến nay số lượng nhà cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều và thực tế chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Thống kê của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho thấy, trước năm 1980, cả thành phố Hà Nội chỉ có một công trình cao tầng duy nhất là khách sạn Hà Nội cao 11 tầng.
Từ sau quy hoạch chung thành phố Hà Nội được duyệt 1981, với yêu cầu bảo tồn kiến trúc trong khu vực nội đô, các công trình xây dựng phát triển trong giai đoạn này chủ yếu là 4, 5, 7 tầng với chiều cao trung bình mỗi tòa nhà là 15m. Đến thời điểm trước năm 2004, toàn thủ đô có khoảng 10 công trình cao tầng.
Tuy nhiên, từ năm 2004 tới nay, chỉ sau 15 năm, toàn thành phố đã có hơn 200 công trình nhà cao tầng, trung bình với 25 tầng thì mỗi tòa nhà có chiều cao vào khoảng 70m. Hiện tại, thành phố vẫn còn 90 dự án cao tầng cùng với đó là nhiều dự án đang chờ xem xét điều chỉnh. Thậm chí, có dự án theo quy hoạch ban đầu có 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 - 47 tầng, nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 - 68 tầng.
Một trong những hệ lụy của tốc độ đô thị hóa chóng mặt tại Hà Nội chính là tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Mỗi năm ùn tắc ước tính gây thiệt hại về kinh tế gần 13.000 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông Hà Nội đang phải "gồng mình" phục vụ trên 6 triệu phương tiện đăng ký trực tiếp tại thành phố và hàng triệu phương tiện giao thông vãng lai. Hàng năm diện tích quỹ đất dành cho giao thông tăng chỉ khoảng 1%, đã tạo ra những áp lực lớn cho giao thông của thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!