Vinh danh hay mua bán danh?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 18/07/2019 20:56 GMT+7

VTV.vn - Muốn nổi tiếng âu cũng là điều bình thường nhưng nhiều danh hiệu giờ có thể mua bằng tiền, không khác gì hàng hóa và chúng được trao, núp bóng muôn hình vạn trạng.

Doanh nghiệp của anh Phan Văn Hiệu đã thành lập được 6 năm. Các thành tích của công ty được đánh dấu bằng một tủ cúp, giấy khen, giấy chứng nhận. Để có một trong số những chiếc cúp này, anh từng phải đóng góp hỗ trợ ban tổ chức 30 triệu đồng. Mỗi tháng anh vẫn đều đặn nhận được lời mời tham gia giải thưởng. Tên khác nhau, đơn vị tổ chức khác, chỉ có một điểm giống là tất cả đều chốt ở một khoản tiền đóng góp. 

Phía sau các công ty truyền thông thường là các hội hoặc hiệp hội nghề nghiệp. Công thức chung là: Hội nghề nghiệp bắt tay với công ty truyền thông. Công ty thu tiền doanh nghiệp, tổ chức lễ trao giải. Cuối cùng là màn trao cúp, giấy khen. Tiền được huy động dưới những cái tên mỹ miều: "hợp đồng truyền thông thương hiệu", "tài trợ quảng cáo". Nhưng đôi khi cũng ghi rõ là bảng giá. 

Trước khi bị vạch trần là thuốc hỗ trợ chữa ung thư rởm làm từ than tre, Vinaca đã từng được vinh danh Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Công ty này thừa nhận đã đóng góp tiền cho ban tổ chức thông qua hợp đồng hỗ trợ. Với hình thức này, đã từng có các giải thưởng bị buộc dừng tổ chức nhưng dịch vụ vinh danh vẫn nở rộ, tạo ra một diện mạo "vàng thau lẫn lộn".

Hiện cả nước có hơn 60 giải thưởng doanh nghiệp từ cấp trung ương đến tỉnh thành và có khả năng sẽ nhiều hơn nữa vì theo dự thảo mới nhất của Bộ Nội vụ, sẽ có nhiều hiệp hội hơn được phép trao giải. Nhưng giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng mua - bán danh hiệu thì vẫn chưa có tín hiệu nào mới từ cơ quan chức năng. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước