Cần thiết xây dựng thương hiệu công nghiệp quốc gia

Đặng Tú - Thanh Long (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ ba, ngày 22/12/2015 06:00 GMT+7

Một vài năm gần đây, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng đã lần lượt bị bán cho các hãng nước ngoài.

VTV.vn - Đây được coi như sự khơi thông trở lại cho các thương hiệu mạnh trong nước, bởi hiện nhiều lĩnh vực kinh tế đang bị dẫn dắt bởi các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Lần đầu tiên trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra mục tiêu xây dựng thương hiệu công nghiệp quốc gia. Hiện nhiều lĩnh vực kinh tế nội địa đang bị dẫn dắt bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sự chững lại của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước gần đây khiến cho các thương hiệu Việt nổi tiếng vốn đã ít lại ngày càng thêm hiếm hoi.

Nhãn hiệu Samsung hay Toyota được sản xuất với số lượng không nhỏ ở Việt Nam, nhưng vẫn là thương hiệu của Hàn Quốc hay Nhật Bản. Đây là một thực tế khi phần lớn công nghiệp Việt Nam vẫn dừng ở phần gia công, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm công nghiệp.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Để đạt được điều này phải đặt trong tầm nhìn chung quốc gia, tức là phát triển công nghiệp phải hướng đến đẳng cấp chứ không phải là số lượng. Thứ hai là phải tạo ra tính cạnh tranh”.

Việt Nam đứng trong nhóm xuất khẩu da giày, túi xách lớn nhất thế giới, chỉ riêng năm 2014 xuất khẩu đạt gần 13 tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa doanh nghiệp nào tạo dựng được thương hiệu mang tính quốc tế trong lĩnh vực này.

Thời gian trước, Việt Nam đã từng có những thương hiệu công nghiệp lớn như xe đạp Thống Nhất, quạt máy Điện Cơ... nhưng những thương hiệu này sau một thời gian đã bị mai một. Thực tế cho thấy, không phải quốc gia nào cũng xây dựng được những thương hiệu công nghiệp mang tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, khi xây dựng thành công các sản phẩm này không chỉ tôn vinh giá trị quốc gia, mà cũng nhờ thương hiệu đó, các sản phẩm khác cũng tăng được thế cạnh tranh.

Trong một vài năm gần đây, hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng như Dạ Lan, Tribeco, Bia Huda đã lần lượt bị bán cho các hãng nước ngoài. Nhiều người tỏ ra nuối tiếc khi các thương hiệu này bị thâu tóm hoặc hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, việc tự bán thương hiệu lại đang là cách mà các doanh nghiệp muốn làm, để thế giới biết các sản phẩmViệt Nam khi chính các doanh nghiệp trong nước không thể tự mình tiếp tục nâng cấp các thương hiệu này.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước