Đài Truyền hình Nước Nga làm phim tài liệu về Việt Nam 1945

Hồng Hoa (VTV4)-Thứ năm, ngày 23/04/2015 17:12 GMT+7

Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu

VTV.vn - Nhà hát lớn Hà Nội - nơi diễn ra phiên họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là bối cảnh đoàn làm phim Nga lựa chọn để tái hiện Việt Nam năm 1945.

Năm 2015, Việt Nam kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9. Cũng trong năm nay, nước Nga kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Phát xít 9/5. Sự trùng lặp của con số 70 giữa Việt Nam và Nga đã tạo cảm hứng cho nhà báo Nga Sergey Brilev nảy ra ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về năm 1945 trong lịch sử hai nước Việt - Nga.

Trong những ngày này, Sergey Brilev cùng nhóm quay phim của mình đã sang Việt Nam để lấy “hình minh họa” (theo ngôn từ của ông) và tìm hiểu thông tin cho bộ phim của mình.

Nhà hát lớn Hà Nội - nơi diễn ra phiên họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là bối cảnh mà đoàn làm phim của Sergey Brilev lựa chọn để tái hiện Việt Nam năm 1945, năm Việt Nam lật đổ ách thống trị của Phát xít Nhật.

Tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, những hiện vật và tư liệu về Cách mạng tháng Tám và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ Tịch là những minh chứng kể về một trong những giai đoạn lịch sử có ý nghĩa nhất của Việt Nam.

Sergey Brilev, Giám đốc - người dẫn chương trình “Tin tức thứ 7”, Phó giám đốc Đài Truyền hình quốc gia Nước Nga chia sẻ: “Ý nghĩa đối với hai dân tộc Việt Nam và Nga là ở chỗ Đại chiến thế giới thứ hai không chỉ là cuộc chiến vì lãnh thổ, không chỉ vì lý tưởng, mà đó còn là cuộc chiến vì sự sống còn của dân tộc. Điều mà gắn bó dân tộc Nga và Việt Nam là ở chỗ cả các bạn và chúng tôi đều đã chiến thắng trong cuộc chiến vì sự sống còn của dân tộc mình. Còn một điểm nữa là sau Đại chiến thế giới thứ hai, nhiều dân tộc trước đó không có chủ quyền đã giành được độc lập dân tộc. Đó là thời khắc chân lý trong lịch sử nhân loại, mà Việt Nam là khởi đầu của thời khắc đó”.

Để tìm hiểu sâu hơn về Cách mạng tháng Tám của Việt Nam, Sergey Brilev đã tìm gặp ông Hồ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga, người từng là một trong những “học sinh của Bác Hồ” được đưa sang Liên Xô học tập năm 1954.

Ông Hồ Anh Dũng nói: “Khi Phát xít Nhật đầu hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố về Chiến thắng Phát xít của nhân dân và Hồng quân Liên Xô, kêu gọi nhân dân Việt Nam nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân Pháp, tập hợp mọi lực lượng để giành độc lập dân tộc”.

Cuộc trò chuyện với nhà báo Lại Văn Sâm - người đã và đang thực hiện những chương trình truyền hình về tình bạn Nga - Việt nổi tiếng như Bài ca chiến thắng, Bài hát yêu thích. Qua cuộc trò chuyện này, nhà báo Nga càng hiểu rõ hơn vì sao giữa Nga và Việt Nam lại có mối quan hệ đặc biệt.

Sergey Brilev nói: “Từ những người như bác Dũng và anh Sâm thì có thể hiểu ngay được vì sao giữa Việt Nam và Nga có mối quan hệ đặc biệt. Chúng ta có thể nói về mối quan hệ đặc biệt một cách lý thuyết, nhưng đây, ngay trước mặt chúng tôi: những người có quan hệ đặc biệt, nói chuyện bằng tiếng Nga, hiểu hết mọi vấn đề và trân trọng tình bạn của đất nước mình”.

Trong sự trùng hợp của con số 70 năm, năm 2015 hai nước Việt Nam và Nga còn kỷ niệm một con số đặc biệt khác - 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 65 năm của một mối quan hệ của tình hữu nghị đặc biệt Việt - Nga.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước