Bức tranh đầu tay của Nguyễn Đình Quân là một bức tranh trừu tượng mang tên "Khi yêu", mô phỏng hai khuôn mặt người, một nam, một nữ. Khuôn mặt làm từ vỏ trứng được bóp vỡ một cách tự nhiên, đôi mắt được làm bằng sợi len, lớp nền được trang trí bằng hạt kê và vỏ của củ hoa lay ơn. Các nguyên liệu được kết dính với nhau bằng keo sữa - loại keo thường dùng trong trang trí nội thất.
Anh Nguyễn Đình Quân cho biết, kỳ công nhất là công đoạn xử lý nguyên liệu sao cho vừa thân thiện với môi trường lại có độ bền cao. Các nguyên liệu được sấy hoặc phơi khô để đảm bảo tranh không bị mốc mà màu sắc vẫn tươi và bền đẹp. Trong khi đó, công đoạn kết dính nguyên liệu cần sự sáng tạo nhiều nhất.
“Có những bức tranh mình phải nghĩ rất lâu mới quyết định nên làm thế nào và định hình được trong đầu là nguyên liệu nào gắn vào phần nào trong bức tranh để màu sắc hài hòa” - Nguyễn Đình Quân nói.
Tranh của Nguyễn Đình Quân phong phú về thể loại, gồm tranh phong cảnh, tranh dân gian, trừu tượng và tranh chủ đề trẻ em. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh cỡ 30 x 40cm phải mất trung bình 3 - 4 ngày làm việc liên tục. Những bức cỡ lớn phải mất hàng tuần, thậm chí 1 tháng.
Được làm thủ công hoàn toàn nên mỗi bức tranh là một sản phẩm độc nhất vô nhị và không thể sản xuất hàng loạt. Đó là lý do khiến tranh làm từ phế liệu được ưa chuộng trên thị trường.
Không chỉ có chỗ đứng trong nước, tranh làm từ phế liệu của Nguyễn Đình Quân còn chinh phục cả khách hàng nước ngoài. Năm 2011, anh xuất 1 lô gần 30 bức tranh sang Pháp, sau đó tạm dừng xuất khẩu để tập trung đầu tư cho công việc sáng tác.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.