Chị Lê Thu Hiền, Giám đốc May No Hashi cho biết: "Trong nền công nghiệp vải Nhật họ đã ứng dụng những công nghệ rất hiện đại quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ví dụ, đưa tinh dầu hoa trà ướp vào trong vải, không có mùi nhưng lại tạo cho vải sự mềm mại. Khi mặc, tiếp xúc da với vải không bị trầy xước".
Có sẵn kiến thức nền tảng về ngành thời trang và đặc biệt hơn là với tình yêu dành cho văn hóa Nhật Bản, chị Lê Thu Hiền đã quyết định mang vải Nhật về Việt Nam. Theo chị, vải Nhật có những họa tiết đặc trưng của văn hóa Nhật Bản như hình chiếc quạt, cô gái mặc Kimono hay chim hạc. Tuy nhiên, vải Nhật khi ứng dụng lên chiếc áo dài thì tinh thần của chiếc áo dài Việt vẫn được giữ nguyên.
Bên cạnh những loại vải lụa hay satin thông thường, vải dùng để may Kimono cũng được sử dụng để may áo dài. Những tấm vải Kimono thường có họa tiết được thiết kế riêng biệt và khổ nhỏ, đòi hỏi người thợ may phải có sự linh hoạt.
Những mẫu áo dài cách tân mang nét độc đáo từ xứ sở hoa anh đào mà vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của chiếc áo dài Việt Nam, đã trở thành cầu nối đưa hai nền văn hóa Á Đông xích lại gần nhau hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!