Theo quan niệm xưa “Vua là Thiên tử” - con trời, nên chỉ có Vua mới được quyền cúng tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tạ ơn trời đất. Với ý nghĩa đó, Lễ tế đàn Nam Giao đầu tiên của triều Nguyễn diễn ra vào năm 1807 dưới thời vua Gia Long và được tổ chức vào mùa xuân hàng năm.
Năm 2004, tại Festival Huế lần thứ nhất, lần đầu tiên sau gần 60 năm vắng bóng, Lễ tế đàn Nam Giao triều Nguyễn đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phục dựng. Từ đó đến nay, Lễ tế đàn Nam Giao được duy trì như một điểm nhấn trong các kỳ Festival Huế.
“Khi phục dựng nghi thức Tế giao chúng tôi muốn đưa vào đó 2 ý nghĩa, một là nghi thức tế giao như là sự trình diễn một nghi lễ thờ cúng cung đình ngày xưa, thứ hai là thể hiện ước vọng của con người sống hòa hợp với thiên nhiên và vũ trụ, mong muốn cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa” - ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết.
Lễ tế được tổ chức tại Đàn Nam Giao, đặt tại phía Nam của kinh thành Huế xưa, nay là địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đàn gồm 3 tầng: tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và Con người.
Khác với những lần tổ chức trước đây, năm nay lễ tế không mang nặng tính lễ hội mà hướng nhiều đến văn hóa tâm linh, giữ được nét trang nghiêm, đúng phong tục, bài bản.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!