Ngôi làng đặc biệt của những người Việt ở Quảng Tây (Trung Quốc)

Ban Truyền hình Đối ngoại-Thứ hai, ngày 17/09/2018 10:22 GMT+7

VTV.vn - Tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có 3 ngôi làng gồm những người gốc Việt di cư từ Đồ Sơn, Hải Phòng sang sinh sống từ hơn 500 năm trước.

Giữa nhịp sống hối hả, người dân nơi đây vẫn giữ nguyên được nếp sống truyền thống của tổ tiên, họ nói tiếng Việt cổ, giữ gìn chữ Nôm và thậm chí vẫn hát giao duyên bằng tiếng Việt. Nhiều người vẫn nói vui rằng, chỉ cần đến 3 ngôi làng này là sẽ biết được thời gian đã ngưng lại ở mảnh đất này như thế nào.

Cứ chiều chiều, các cụ ông, cụ bà của làng Vu Đầu lại ngồi với nhau dưới hàng thị cổ để cùng hát đối, có tới hàng nghìn câu hát đối được truyền miệng trong dân gian từ đời này sang đời khác mà các cụ vẫn nhớ được cho đến ngày nay. Làng Vu Đầu cùng với 2 ngôi làng khác là Sơn Tâm và Vạn Vỹ ở cạnh nhau hợp thành Tam Đảo, chính là nơi mà người Kinh - một trong ba dân tộc thiểu số ít người nhất của Trung Quốc đang sinh sống. Cách đây 5 thế kỷ, những người Việt xưa đã tìm đến đây khai hoang lập làng và trồng những cây thị để gợi nhớ về quê nhà.

Người Kinh không chỉ mang theo những cây thị, mà họ còn gây dựng bản sắc nguồn cội từ chính chữ Nôm. Ở giữa vùng đất Quảng Tây, xung quanh mọi người phần lớn đều sử dụng chữ Hán, vậy mà chữ Nôm lại vẫn không hề mai một trong cộng đồng người Kinh.

Ông Tô Duy Phương - Nhà nghiên cứu văn hóa, chữ Nôm, Trung Tâm truyền thừa và phát huy văn hóa chữ Nôm Đông Hưng cho biết: "Văn hóa chữ Nôm là linh hồn của dân tộc và cũng là gân huyết của dân tộc, cho nên chúng tôi coi nó là của báu nhất không thể bỏ được. Chữ Nôm chủ yếu là ghi chép lịch sử ngày xưa, những bài hát trong đình, tự sự ca, dân ca, văn tế trong các hội đình, các quy ước của các thôn làng cũng đều là chữ Nôm cả, nếu mất rồi thì không truyền được, không giữ được đến đời sau".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước