Người ta thường biết đến Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động, sáng tạo với nhiều công trình kiến trúc hiện đại và tòa nhà chọc trời. Có một góc khác của thành phố mang nét đặc trưng và giá trị lịch sử cũng đang chuyển mình cùng với xã hội hiện nay, đó là những công trình kiến trúc cổ có tuổi đời gần 1 thế kỷ nằm rải rác ở giữa những khu dân cư đông đúc.
Khác với Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát lớn và Trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM được xây dựng từ thế kỷ 19, những tòa nhà này được xây dựng ngay sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất vào những năm 20 của thế kỷ trước. Vì vậy, thiết kế vẫn mang phong cách Pháp nhưng đơn giản và thực dụng hơn.
Kiến trúc sư Ed Haysom - Giám đốc Công ty Mode Haysom nhận xét: "Ẩn chứa trong những tòa nhà cổ này là những điều tinh tế đang chờ được khám phá. Điều thú vị là đang có nhiều bạn trẻ nhận ra được những giá trị này và cải tạo nó trở thành những tiệm quần áo, quầy bar và nhà hàng nhỏ. Họ đã thổi sức sống mới vào những tòa nhà này".
Trước kia, tòa nhà tại 27 Lý Tự Trọng là một khu chung cư đông đúc, bây giờ nó đã được cải tạo trở thành cơ sở của 3 nhà hàng, 11 tiệm quần áo thiết kế và rất nhiều văn phòng khởi nghiệp.
Chị Trần Thu Hương - Quản lý, Tiệm đồ may thiết kế Xéo Xọ nói: "Đến với không gian này, bạn cảm thấy thân thuộc như ở nhà mình vậy. Ở đây có những chiếc cửa sổ rộng, không gian đẹp và chiếc cầu thang. Còn tiệm quần áo trên đường Đồng Khởi trước kia đã từng là một nhà máy".
Theo báo điện tử Vietnam News, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang sở hữu 3.000 tòa nhà cổ được cho là quý giá, những mô hình cải tạo như thế này có thể là một gợi ý để những kiến trúc cổ vẫn còn chỗ đứng trong một đô thị hiện đại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!