Nhiều nạn nhân bom mìn đã có cuộc sống ổn định hơn.
Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) được thành lập với mục tiêu giảm thiểu tác động bom mìn tới cuộc sống người dân tại các địa phương. Cho tới nay, Hội đã thu hút sự tham gia của hơn 500 hội viên, với thành phần đa dạng, từ cá nhân đến các tổ chức trong và ngoài nước. Ngày 11/11, Hội đã tổ chức kỷ niệm 1 năm hoạt động.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: ‘Chính phủ đã có chương trình quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn, chương trình này chỉ có thể thành công nếu có sự góp sức, hưởng ứng của cả xã hội và cộng đồng’.
Nhiều dự án như tặng quà cho các gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi bom mìn; đo, tặng chân tay giả miễn phí cho các nạn nhân bom mìn… đã đem lại sinh kế cho nạn nhân trực tiếp và gián tiếp do ô nhiễm bom mìn đã được triển khai nhằm tạo dựng cuộc sống no đủ và ổn định hơn. Chương trình tặng bò cho nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là một ví dụ.
Dự kiến cuối năm nay, đợt II của dự án tuyên truyền và hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ được tiến hành với kinh phí khoảng 800 triệu đồng.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết: ‘Chúng tôi sẽ tổ chức xây dựng các chi hội ở những vùng trọng điểm; khảo sát số lượng, địa chỉ của nạn nhân bom mìn, hoàn cảnh cụ thể của họ để có biện pháp hỗ trợ và phối hợp với các tổ chức xã hội trong nước, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ để vận động tài trợ’.
Hiện cả nước có hơn 20% diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn, trải dài ở 63 tỉnh thành phố, ước tính còn 800.000 vật liệu nổ còn trong lòng đất, sông hồ và ven biển. Đến nay, số nạn nhân bom mìn tại Việt Nam đã vượt mức 100.000 người và vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!