Nông trại rau xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Ảnh: Dân Việt
Nhật Bản đang là thị trường tiềm năng đối với ngành sản xuất rau Lâm Đồng - vựa rau lớn nhất nước. Hiện tại, một số doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã xuất được sản phẩm rau sang Nhật Bản với mức giá có thể giúp người trồng rau có thu nhập cao. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, nếu có lộ trình với những bước đi hợp lý trong đầu tư sản xuất rau chất lượng cao thì sản lượng rau Lâm Đồng xuất sang thị trường Nhật Bản sẽ tăng mạnh, nhất là khi nhu cầu rau xanh ở nước này vẫn còn thiếu hụt.
Tại vựa rau Lâm Đồng, rau được trồng trong nhà kính, những yếu tố gây hại đối với cây rau được kiểm soát một cách tối đa. Đất trồng rau từ giá thể đã qua xử lý kỹ càng, nguồn nước tưới rau cũng qua kiểm tra để đảm bảo độ an toàn. Những bẫy côn trùng, sâu hại trong vườn được theo dõi chặt chẽ hàng ngày, tất cả hướng đến mục đích hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Những ký số được đánh dấu theo từng luống rau, nghĩa là đến lúc thu hoạch, người trồng có thể xác định sản phẩm được trồng từ luống rau nào, chế độ chăm sóc ra sao…
14 ha rau của Công ty Dalat GAP đều được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, cũng nhờ đó mà trong số 1.000 tấn rau thu hoạch mỗi năm của công ty, có 40% sản lượng được xuất sang thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu sang Nhật, giá rau được nâng lên. Tuy nhiên, theo công ty Dalat GAP, sản xuất rau xuất khẩu cũng đồng nghĩa phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe, nhưng một khi đã làm được, khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ trong tầm tay. Năm ngoái, các khách hàng ở Nhật Bản đã cho Công ty Dalat GAP ứng trước số vốn 200.000 USD để trồng rau, sau đó xuất sang thị trường này. Dự kiến năm nay số vốn mà các khách hàng Nhật Bản cho công ty ứng trước sẽ từ nửa triệu đến 1 triệu USD.
Nhưng không phải vườn rau nào cũng có được thuận lợi này. Với diện tích canh tác trên 57.000 ha, mỗi năm Lâm Đồng cung ứng ra thị trường 1,9 triệu tấn rau. Tuy nhiên, chỉ mới có khoảng 15% sản lượng rau được xuất khẩu, 85% còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước. Lẽ đương nhiên, các nhà vườn đều muốn trồng rau xuất khẩu, song họ lại đang gặp nhiều rào cản.
Việc liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân để cùng sản xuất rau xuất khẩu, theo đánh giá của ngành nông nghiệp sẽ là con đường để rau Lâm Đồng có mặt ở thị trường Nhật Bản cũng như các nước khác. Khi liên kết, nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận kỹ thuật sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chi phí đầu tư sẽ được tiết giảm. Quan trọng hơn, nông dân sẽ mạnh dạn sản xuất rau chất lượng cao khi biết được sản phẩm làm ra có được địa chỉ tiêu thụ rõ ràng. Khi đó, tỷ lệ rau xuất khẩu ở Lâm Đồng sẽ không dừng ở con số 15% như hiện nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.