Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đề ra chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đạt tỉ lệ nữ ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% và nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 35% trở lên.
Tuy nhiên, tại Quốc hội khóa 13 sắp kết thúc, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội chỉ đạt 24,4%, xếp thứ 44 trên thế giới theo Báo cáo của Liên minh Nghị viện Thế giới. Một trong những ưu tiên của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam chính là hỗ trợ về kinh nghiệm, chính sách và thực tiễn để nâng cao tỉ lệ nữ đại biểu tại Quốc hội và các cơ quan dân cử.
Với hơn 40% đại biểu quốc hội là nữ, Vương quốc Bỉ hiện đứng thứ 5 ở châu Âu về bình đẳng cơ hội giữa nam và nữ trong Quốc hội.
“Từ vài năm nay, bằng luật pháp, chúng tôi đã bắt buộc các đảng chính trị đảm bảo tỉ lệ 50% nữ trong danh sách ứng cử viên Quốc hội. Từ đó đến nay, trong hai viện Quốc hội, tỉ lệ đại biểu khoảng 40%” - bà Jehanne Roccas, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, cho biết.
Ở Hà Lan, một nước khác thuộc châu Âu, tỉ lệ nữ ĐBQH cũng luôn được duy trì ở mức 40 - 50%. “Ở nước chúng tôi, không có quy định cụ thể trong luật pháp. Tuy nhiên, rất nhiều Đảng ở Hà Lan tự đăt ra mục tiêu và hành động theo hướng phụ nữ và đàn ông chiếm tỉ lệ cân bằng 50 - 50 trong danh sách ứng cử vào Quốc hội. Mỗi Đảng có những công cụ khác nhau để đảm bảo có đủ số lượng nữ ứng viên đủ tiêu chí” - bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, nói.
Áp dụng kinh nghiệm quốc tế, đến nay, Việt Nam đã quy định cụ thể tỉ lệ nữ đại biểu trong cơ quan dân cử qua các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và nhiều văn bản pháp luật.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!