Việt Nam đã trình bày phương hướng cụ thể và quyết liệt hơn để giảm thiểu rủi ro do thiên tai giai đoạn 2016-2030 tại một hội thảo do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo giới thiệu khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai trên phạm vi toàn cầu mà Việt Nam là một trong các quốc gia đã thông qua.
Trước khi tham gia khung hành động Sendai, kể từ năm 2005, Việt Nam đã tham gia khung hành động Hyogo của Liên Hợp Quốc về xây dựng khả năng ứng phó của các quốc gia và cộng đồng về phòng, chống thiên tai và đã gặt hái được nhiều kết quả tốt, đặc biệt là việc giảm thiểu thiệt hại về người.
Ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Từ 2005-2010, thiệt hại bình quân 400-500 người, nhưng từ năm 2010-2015 số người tử vong dưới 150 người”.
Sau 10 năm thực hiện khung Hyogo, tháng 3 vừa qua, 187 quốc gia thành viên LHQ đã thông qua Khung hành động Sendai, có thời gian thực hiện là 15 năm, trong đó ưu tiên cho hợp tác khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá, dự báo, cảnh báo thiên tai. Đây cũng chính là lĩnh vực phát triển trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Văn Phú Chính cũng cho rằng: “Công tác dự báo chúng ta còn yếu, chúng ta phải ứng dụng công nghệ không gian, công nghệ vũ trụ và chia sẻ công nghệ hiện đại từ các quốc gia trên thế giới để nâng cao năng lực phòng chống dự báo thiên tai”.
Ngoài công tác dự báo, theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa vai trò của người dân địa phương trong việc chủ động đánh giá rủi ro và quyết định chương trình hành động cụ thể để đối phó với thiên tai.
Ông Koos Neefies, Cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam đang thực hiện tốt chương trình 1002 về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. 6.000 cộng đồng đã có nhận thức rõ ràng hơn về cách thức phòng tránh rủi ro thiên tai, tuy nhiên nó cần phải được đầu tư lớn hơn để có kết quả nhanh hơn, đặc biệt là tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em”.
Theo báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2015, thiệt hại trung bình hàng năm từ các trận động đất, sóng thần, lốc xoáy nhiệt đới và lũ lụt trên sông ước tính lên đến 314 tỉ USD. Con số này sẽ cao hơn nếu tính đến các hiểm họa khác như hạn hán, thiệt hại cho các ngành khác như nông nghiệp. Do đó, đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và quản lý hiệu quả các rủi ro thảm họa là điều kiện tiên quyết để phát triển một cách bền vững trong điều kiện khí hậu đang biến đổi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.