Mặc dù quấy rối tình dục xuất hiện thường xuyên và phổ biến, 80% người dân khi được hỏi lại không biết thế nào được gọi là quấy rối tình dục. Do đó, nhiều hành vi quấy rối, thậm chí bị quấy rối nhiều lần nhưng nạn nhân lại không lên tiếng.
Xe khách chỉ là một trong các địa điểm công cộng không an toàn, có nguy cơ xảy ra quấy rối tình dục. Khảo sát vào năm 2014 chỉ rõ, có 31% nữ sinh tại TP.HCM và Hà Nội đã từng bị quấy rối tình dục trên xe bus. Tuy nhiên, không phải nạn nhân của vụ việc quấy rối tình dục nào cũng chịu lên tiếng. Lý do là vì tâm lý lo sợ, e ngại bởi lâu nay quấy rối tình dục là đề tài nhạy cảm, ít được mọi người chia sẻ, bên cạnh đó hậu quả do hành vi này gây ra lại rất khó chứng minh.
Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có hình phạt cụ thể nào dành cho hành vi quấy rối tình dục. Mức xử phạt cao nhất đang áp dụng là phạt hành chính 200.000 đồng. Đây là lỗ hổng để các đối tượng xấu lợi dụng, tiếp tục thực hiện hành vi của mình mà không sợ bị phát hiện hay xử lý. Do đó, trong khi chờ chế tài đủ mạnh để có sức răn đe, tự thân mỗi người dân nên biết cách bảo vệ chính mình.
Lời khuyên của các chuyên gia là để đối phó hiệu quả với quấy rối tình dục, cộng đồng phải lên tiếng, trước hết là nạn nhân. Chỉ khi tạo được làn sóng mạnh mẽ, người dân mới hiểu đúng về quấy rối tình dục thay vì cho đó là hành vi trêu ghẹo thông thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!