Báo động đỏ tình trạng sạt lở ở ĐBSCL

Thanh Chương - Nguyên Du - Nhật Di (VTV9)Cập nhật 10:03 ngày 11/12/2019

VTV.vn - "Tan rã", "biến dạng", "chết dần" là những từ mà nhiều người đang dùng để nói về hậu quả của sạt lở ở ĐBSCL. Thực tế cho thấy, tình trạng này đã đến mức báo động đỏ.

ĐBSCL có nền địa chất yếu, dễ bị tổn thương trước bất kỳ tác động nào của tự nhiên hay con người. Trong 10 năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực này gia tăng đột biến. Nếu so với năm 2010, toàn vùng có 99 điểm sạt lở, đến năm 2019, số điểm sạt lở lên đến 681 điểm, tăng gần gấp 7 lần. Ngoài ra, sạt lở cũng không theo quy luật bên lở - bên bồi, mùa mưa - mùa nắng, sông lớn - rạch nhỏ… Xói lở xảy ra ở khắp nơi và quanh năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Gần 500ha đất "biến mất" mỗi năm, 20.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Biến đổi khí hậu chỉ là một phần nguyên nhân. Tình trạng sạt lở xảy ra khắp nơi ở ĐBSCL chủ yếu do tác động của con người. Theo khảo sát của các nhà khoa học, quá trình này chỉ tăng nhanh khi các đập thủy điện ở thượng nguồn được xây dựng và bắt đầu trữ nước.

Theo các chuyên gia, hiện nay có 7 nhà máy thủy điện và hồ chứa đang hoạt động trên dòng chính Mekong. Do đó, thể tích tích nước đã tăng đột biến từ 1,8 tỷ khối trong năm 2011 lên 44,5 tỷ khối vào năm 2018. Hậu quả là lượng phù sa về ĐBSCL giảm từ 66 triệu tấn vào năm 2008 xuống còn 44 triệu tấn. Sự thiếu hụt bùn cát sẽ làm dòng chảy di chuyển nhanh, thay đổi chế độ thủy lực, tất cả điểm trong hệ thống sông đều bị tác động, dẫn đến sạt lở gia tăng và phủ khắp ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu vào năm 2018 của Ủy hội Sông Mekong cho biết, có đến 97% trầm tích sẽ bị giữ lại nếu các con đập trên dòng chính được xây dựng. Đây là nguyên nhân khách quan nhưng không kém phần quan trọng, làm cho ĐBSCL đang dần “biến mất”.

Không thể chỉ trông chờ vào việc xây dựng các công trình kiên cố ứng phó sạt lở. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước khuyến nghị các địa phương sử dụng những giải pháp "mềm" như: kè sinh thái, chỉnh trị dòng chảy thuận theo tự nhiên. Nước chảy theo quy luật riêng, kinh nghiệm ứng phó sạt lở của các nước trên thế giới đều tôn trọng quy luật riêng này, đó là dành diện tích đủ rộng để nước chiếm không gian và làm giảm tốc độ dòng chảy, nghiên cứu phân chia lại lưu lượng nước vào các sông, chỉnh trị dòng chảy có thể thực hiện bằng cách nạo vét các luồng, giải phóng vùng bãi bồi hay làm đê kè đón dòng.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, có 3 hành động chính gồm: xây dựng công trình, cảnh báo sớm và sơ tán người dân. Trong đó, cảnh báo sớm và sơ tán người dân là ưu tiên hàng đầu bởi đây là cách ứng phó thông minh và hiệu quả nhất.


ĐBSCL phòng chống sạt lở bờ sông bằng giải pháp “mềm” ĐBSCL phòng chống sạt lở bờ sông bằng giải pháp “mềm”

VTV.vn - Thực tế cho thấy, hiệu quả đê, kè trong việc khắc phục sạt lở bờ sông chưa cao, trong khi các giải pháp "mềm", thân thiện với môi trường chưa được quan tâm đúng mức.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.