Cá mao tiên - "Nữ hoàng của biển cả"

Tấn Quýnh, Phạm Việt (VTV9)Cập nhật 09:08 ngày 08/06/2020

VTV.vn - Có một loài cá luôn được ví là "nữ hoàng của biển cả" và được chọn làm biểu tượng của Viện Hải dương học Nha Trang. Đó lá cá mao tiên.

Lời trầm trồ thường được thốt ra mỗi khi ai đó ngắm nhìn loài cá mao tiên. Một vẻ đẹp từ sắc màu rực rỡ...Một vẻ đẹp từ sự mềm mại.... Cùng một bể cá, trong khi những loài cá khác tranh nhau giành mồi thì cá mao tiên vẫn bơi chậm rãi, tựa như những bước đi nhẹ nhàng, kiêu sa... Hình dáng này, phong thái này, giữa chốn thủy cung, tự thân xác lập cho cá mao tiên danh hiệu: "công chúa của đại dương", "nữ hoàng của biển cả".

Cá mao tiên sinh sống ở vùng rạn san hô. Chúng được ghi nhận là xuất hiện nhiều ở vùng biển Ấn Độ - Nam Thái Bình Dương. Loài cá này có màu sắc vô cùng bắt mắt, xen lẫn giữa màu trắng là màu đỏ, màu nâu...Vẻ đẹp càng rực rỡ hơn khi vây cá xòe ra, lả lướt. Nhưng, các nhà khoa học biển cũng thường xuyên nhắc đến về sự nguy hiểm đằng sau vẻ đẹp đầy quyến rũ của "nữ hoàng biển cả".

Ngay tại cổng ra vào Viện Hải dương học Nha Trang là bức tượng cá mao tiên. Viện Hải dương học, tiền thân là Sở Hải dương học nghề cá Đông dương, được thành lập vào năm 1922. Ngay từ năm 1948, trong các ấn phẩm khoa học của Viện, người ta đã thấy biểu tượng cá mao tiên trên trang bìa.

Cá mao tiên được trưng bày tại Bảo tàng Viện Hải dương học, ngày ngày vẫn kiêu sa đúng nghĩa là "nữ hoàng của biển cả". Chỉ là một loài cá thôi, cũng đủ cất lên tiếng nói rằng: đại dương vô cùng tuyệt vời khi con người biết yêu và gìn giữ đại dương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.