Cần một "nhạc trưởng" quy hoạch để phát triển đồng bộ tuyến sông Sài Gòn

Uyên Phương - Hoàng Vũ (VTV9)Cập nhật 20:45 ngày 23/03/2020

VTV.vn - Hiện nay, hai bên bờ sông Sài Gòn đang bị khai thác manh mún, lấn chiếm trái phép, không phù hợp với quy hoạch vùng, đặc biệt chưa mang lại lợi ích cho tất cả người dân.

Sông Sài Gòn chạy qua địa phận nhiều quận, huyện tại TP.HCM với chiều dài hơn 80km. Nơi đây được đánh giá là mặt tiền của thành phố với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội vùng. Việc lấn chiếm sông của nhiều dự án, biệt thự đã khiến diện mạo bờ sông trở nên chắp vá.

Trước tình trạng này, TP.HCM đã giao Sở Xây dựng thành phố thanh kiểm tra lại 101 dự án nằm dọc sông Sài Gòn. Trong số các dự án thanh kiểm tra lần này, có nhiều dự án đã từng bị nhắc tên về việc vi phạm hành lang bờ sông khi chỉ cách mép sông từ 7 - 10m, đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ, xử phạt nhưng vẫn chưa thực hiện.

Nhà hàng ven sông, cà phê bờ sông, công viên bờ kè hay sân vườn biệt thự san sát nhau, trên dọc tuyến sông Sài Gòn đi qua địa phận quận 2, TP.HCM có chi chít những dự án ven sông như thế này. Đó là thực trạng trên mặt sông, còn mặt tiền đường lộ cũng không khá hơn. Những barie rào chắn, chốt chặn bảo vệ dọc một tuyến đường đã ngăn cản người dân sinh sống xung quanh tiếp cận bờ sông, bên cạnh đó còn không có đường giao thông xung quanh.

Trong những dự án đang được phản ánh, không ít đã từng bị cơ quan chức năng xử lý, xử phạt, tuy nhiên đến nay "đâu vẫn vào đấy". Bên cạnh đó, còn có thêm nhiều dự án mới ngang nhiên xây dựng trên hành lang bờ sông Sài Gòn. Nếu nhìn tổng thể từ trên cao, có thể thấy rõ lòng sông chỗ rộng, chỗ hẹp, rời rạc theo từng dự án, từng căn biệt thự.

Theo các chuyên gia, trong nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, sự chồng chéo về quy định pháp luật là một nguyên nhân khó xử lý. Từ năm 2004, TP.HCM mới ban hành quy định cụ thể về bảo vệ hành lang sông, nhưng có nhiều điều khoản chưa rõ ràng. Theo đó, nhiều dự án mang tính chất lịch sử sẽ khó thu hồi. Ngoài ra, sự buông lỏng quản lý của một số địa phương là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Các chuyên gia cho biết, một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng qua nhiều giai đoạn thiếu đồng bộ, thiếu căn cứ, chưa có giải pháp khai thác giá trị cảnh quan công cộng ven sông, dẫn đến việc thiếu lối tiếp cận công cộng cho người dân.

Bất cập từ quá khứ đã dẫn đến hệ quả là tình trạng lấn chiếm bờ sông. Bên cạnh thực tế cảnh quan bị ảnh hưởng, việc lấn chiếm này còn tác động đến dòng chảy, phần nào gây ra tình trạng sạt lở bờ sông bởi khi thu hẹp dòng chảy chỗ này sẽ tạo ra chảy xoáy ở chỗ khác. Vì vậy, để phát huy giá trị nguồn tài nguyên quý giá của thành phố, nhiều chuyên gia cho biết cần nhanh chóng lập lại trật tự quy hoạch hai bên bờ sông. Và điều quan trọng là cần có một "nhạc trưởng" quy hoạch để có thể phát triển đồng bộ tuyến sông Sài Gòn.


TP.HCM còn nhiều công trình vi phạm hành lang sông Sài Gòn TP.HCM còn nhiều công trình vi phạm hành lang sông Sài Gòn

VTV.vn - Hiện 2 bên bờ sông Sài Gòn đang bị khai thác manh mún, lấn chiếm trái phép, không phù hợp với quy hoạch vùng, đặc biệt chưa mang lại lợi ích cho tất cả người dân.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.