Anh Nguyễn Phan, 40 tuổi, ngụ tại TP.HCM, phát hiện lúc 2 giờ đêm ngày 14/12/2019 tài khoản thẻ thanh toán quốc tế của anh mất hơn 500.000 đồng để mua đồ điện tử. Quá ngạc nhiên vì mình không hề mua sắm ngay tại thời điểm đó, lại không cho ai mượn thẻ, anh đã gọi điện để báo ngân hàng khóa thẻ. Đồng thời yêu cầu làm rõ, vì sao tài khoản của mình lại bị ai đó lấy để thanh toán.
Trường hợp mất tiền như anh Phan không phải là ít. Chiêu thức mà bọn lừa đảo thực hiện rất tinh vi. Chỉ cần một lần sơ suất để chúng thấy, chụp lại hoặc ghi lại số thẻ, mã CVV hay mã CVC (mã dùng xác minh thẻ visa và master) là ngay sau đó, các nạn nhân bị mất tiền một cách oan uổng mà không hiểu vì sao.
Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, đây là những đối tượng lừa đảo công nghệ cao. Do đó, thủ đoạn của chúng còn có thể mạo danh cả cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy để yêu cầu cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng.
Theo Công an TP.HCM, trong 9 tháng năm 2019, Công an thành phố đã nhận được 164 tin báo tố giác về loại tội phạm này, trong đó có nhiều cán bộ cũng bị lừa. Bên cạnh đó, qua thực tế kiểm tra của Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), tình hình an ninh mạng trong ngành tài chính ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật chưa thể khắc phục, giải quyết kịp thời. Vì vậy, để ngăn ngừa, ngoài việc nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng, đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao tín bảo mật hơn nữa cho khách hàng./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!